- Thầy lạc hậu thế. Ngày xưa đảng viên nhiều người không biết chữ
mới phải ăn thề. Chứ ngày nay, cần thì mỗi người tự viết tờ cam đoan, còn
sao phải thề!
Thầy tôi bảo:
- Thế là anh chẳng hiểu gì về tục ăn thề rồi. Để tôi nói cho mà hay.
Không phải ở đâu cũng có tục ăn thề. Từ xa xưa, cả tổng Nhuế chỉ có
làng Phương Trà là có tục này thôi. Tục bắt nguồn từ cái đêm mơ của một
vị Tướng nhà Lý, trên đường mang quân ra trấn cửa Đại Bàng. Tướng quân
dùng chân trên bãi đất đầu làng, nơi sau này được xây lên thành Đền. Qua
mấy ngày, dân quanh vùng nơi thì mang thóc gạo sắn khoai, nơi mang trâu
bò rượu muối, nhưng nhiều nhất là người. Nơi nào cũng đưa đến những
người đàn ông khoẻ như vâm, nhanh như sóc, da săn thịt bắp, chỉ nhìn họ
đã thấy thắng rồi, chả cần chờ đến lúc xung trận. Sau những ngày quân lính
đồn trú ở làng, một đêm giữa tháng hai mưa xuân lất phất, Tướng quân
đang nồng giấc, bỗng như thấy từ trên trời từng đoàn người gươm dáo đeo
lưng, gậy gộc cầm tay, nườm nượp bay xuống đứng giăng thành hàng
quanh Tướng quân. Không chỉ có người rầm rập dáo gươm, bừng bừng khí
thế, mà còn có cả những chiến thuyền chở quân lính, khí giới, lương thảo
tới tấp lướt về như lá tre, sẵn sàng tiếp ứng cho đạo quân dũng mãnh của
Tướng quân. Giữa lúc giấc mơ đang nồng, bỗng Tướng quân nghe tiếng gà
trống cất lên ba tiếng gáy như reo vui, chào đón, lay động tâm thức lạ lùng.
Cùng lúc ấy, Tướng quân chợt nhớ tới tuổi mình cầm tinh Con Gà và năm
ấy cũng là một năm Gà. Tiếng gà gáy làm Tướng quân bừng tỉnh giấc mơ.
Ngài bỗng cảm thấy như có điềm báo Trời Phù cho quân tướng của mình
trước khi xung trận. Sáng ra, Tướng quân bèn lệnh cho ba quân vào trong
làng, ra ngoài chợ có ai bán gà giò, gà trống đều mua hết về tế thần. Sau khi
tế, nhất thiết tiết gà phải pha với rượu chia đều cho ba quân mỗi người
uống một hớp để tỏ sự đồng lòng, đồng sức, đồng tâm trước thổ thần, thổ
địa. Sau lễ ăn thề, ba quân xuất kích nhằm hướng cửa Đại Bàng giăng thế