chắc? Hừ... hừ... "Không hiểu sao thấy nhớ cái Gianh quá - Nhớ cái Gianh
hay nhớ "anh Cảnh"? Điều đó thì rõ như ban ngày rồi, lại còn "không hiểu
sao"! Mà cái Gianh mới mười lăm tuổi ranh ấy đi từ trong ni ra ngoài nớ
một mình được răng? Khiếp. Thế mới biết người ta nhắn nhe hẹn hò nhau
khôn ngoan đáo để chưa, ranh ma chưa! Nhưng không qua nổi mắt gái già
này đâu! Bà thì bà biết tỏng tòng tong cái tổ con chuồn chuồn! Hừ... hừ...
Nỗi bực bõ và đau khổ ngấm ngầm cứ dày vò, hành hạ bà. Đầu tiên bà
đổ lên đầu ông Cảnh, người chồng đã bội bạc lời nguyền ước xưa: "Chỉ hai
năm thôi, hai năm là anh lại về... Em ở lại cố...". Bà nhớ lúc đó, bà quàng
cái tay nải gạo qua chiếc ba-lô của ông và nói, cố dằn cơn nhớ nhung, tủi
hờn đang dâng lên trong cổ: "Anh đi sức gối mạnh chân... chớ lo chi cả.
Mọi cái ở lại đã có em...". Bà phải cắn vào ngón tay mình để khỏi bật ra
tiếng khóc, tiếng khóc của người vợ vừa mới bén hơi chồng ba hôm đã phải
chia xa. Hừ... hừ... Thế mà ông đi biền biệt, không một mẩu tin, hơn hai
mươi năm mới trở lại. Và khi trở lại, nào phải chỉ có một thân một mình.
Đành rằng, cái chuyện trở về không đúng hạn chẳng phải riêng ông, và
cũng chẳng phải lỗi tại ông, nhưng bà vẫn thấy tưng tức. Ông trở về, lại dắt
theo một con bé chừng mươi tuổi, và tươi cười hơn hớn bảo với bà rằng:
"Đây, con chúng ta đây!". Ôi chao rứa có xung máu không? Đã không thấy
được cái lỗi của mình, lại còn xưng xưng như thể vừa lập được chiến tích.
Té ra, bà phải chịu cảnh tù đày, tra khảo để cho "các người" ở ngoài nớ tha
hồ mà... Lần ấy suýt nữa bà đã nổi trận lôi đình ngay giữa họ hàng, chòm
xóm cho đã cơn giận. Nhưng cái vẻ ngây thơ con trẻ trên gương mặt phúc
hậu sáng sủa và cái vẻ khép nép của người chịu nhún thay mẹ nó của con
bé đã làm dịu đi cơn tam bành của bà.
Nhưng liền đấy, bà thấy tủi thân tủi phận quá thể. Và bà òa khóc. Ông
Cảnh ngỡ đấy là những giọt nước mắt mừng rỡ của ngày gặp mặt, nên cứ
vuốt mãi mái tóc sớm bạc của bà mà an ủi, rằng đất nước đã trọn vẹn, rằng
giờ anh đã trở về đây, em đừng khóc nữa.