***
Công việc sửa chữa tưởng ít, ai dè kéo dài đến mồng chín mới hòm
hòm. Buổi sáng Ba Nghệch chèo thuyền vào bờ, đổi được một con lợn gầy
dơ xương, nặng gần ba chục ký. Tôi cho giết thịt và quyết định sáng hôm
sau, mồng mười, sẽ nhổ neo ra bắc. Đám mạch lô thảy đều hồ hởi- Chúng
đã chán ngấy tận cổ hòn đảo cằn cỗi và thứ rượu khoai chua loét rồi. Riêng
Ba Nghệch không nói năng gì, chỉ cau có và văng tục. Điều ấy chẳng khiến
ai để ý - lầm lì và cục súc là bản tính của hắn. Vì vậy ai nấy đều bất ngờ khi
hắn xin ở lại đảo cưới vợ.
- Lại bão đến nơi rồi, Ba Nghệch đã biết nói đùa! - Bọn mạch lô ồ cả
lên. Nhưng tôi nhìn vào mắt Ba Nghệch, nhận thấy sự biến đổi lớn lao và
hiểu rằng hắn không đùa. Một chút dịu dàng trên bộ mặt to bè, một tia vui
trong đôi mắt trắng dã, một thoáng run rẩy của cặp môi dày nứt nẻ- Tất cả
đều nói lên hạnh phúc.
Thôi cũng mừng cho hắn. Số mệnh đã làm một sự lựa chọn tuyệt vời
khi ném Ba Nghệch lên Hòn Nhĩ. Không có nơi nào thích hợp hơn với hắn.
Cù lao nhỏ xa đất liền này sẽ giúp hắn quên hẳn quá khứ. Nhưng công việc
nặng nhọc và đơn giản phù hợp với sức vóc cường tráng và cái đầu đần độn
của hắn. Nhưng còn một điều quan trọng nhất: ở đây hắn sẽ được sống giữa
những con người lương thiện, tốt bụng và chân thật. Trên các cù lao khắc
khổ của miền trung này dân cư sống với nhau như trong những gia đình
lớn. Từ nhà nọ đến nhà kia không hề có rào giậu, cổng rả gì, thành ra câu
tục ngữ "yêu nhau rào dậu cho kín" hóa ra vô nghĩa. Hòn Nhĩ đã từ lâu
không xảy ra trộm cắp vặt. Tôi đã có dịp trò chuyện với cụ Chòm, người
đàn ông cao tuổi nhất đảo, đã từng làm phu mỏ trong đất liền, lại đi lính
cho Pháp, cái gì cũng biết, bây giờ suốt ngày khò khè trong xó bếp vì bệnh
hen. Cụ Chòm kể:
- Hồi tôi mới lên chín mười tuổi được xem dân đảo hành hình Tảo
Chột: Tảo Chột cũng là dân chài, thế mà đột nhiên ăn trộm rượu của ông