ông trên đảo. Chắt vẫn nấu rượu, lại nuôi được đàn lợn, đời sống chẳng có
gì đáng phàn nàn.
Bốn năm sau, có mối hàng mới, "Hải Mã" trở lại tuyến cũ. Tôi quyết
định ghé thăm vợ chồng Ba Nghệch. Thật bất ngờ, tôi được nghe một kết
cục bi thảm sau đây:
Lấy nhau được hơn hai năm thì Chắt có thai. Hai vợ chồng mừng rỡ
đón chờ đứa con đầu lòng. Chắt đã gần băm tư mới có thai lần đầu, yếu
lắm, người mệt mỏi, xanh rớt. Ba Nghệch bảo vợ ở nhà, một mình gánh vác
mọi việc.
Một hôm đang ăn cơm Chắt chợt để ý đến ngón tay trỏ tuột móng của
chồng, hỏi bị làm sao. Ba Nghệch đã lâu quên bẵng chuyện cũ, nghe hỏi
giật bắn mình, buông bát. Chắt im lặng nhưng hôm sau lại hỏi, lần này về
vết sẹo ở xương quai xanh. Ba Nghệch càng thêm lúng túng. Hắn đã nhiều
lần được nghe câu chuyện của cụ Chòm, biết rõ định kiến của dân đảo nên
hiểu rằng không thể nào nói thật. Nhưng hắn cũng không biết nói dối. Hắn
văng tục, tránh nhìn vợ, bỏ ra khỏi nhà.
Thái độ của chồng làm Chắt sinh nghi. Thói xấu tò mò khiến người ta
suy diễn. Đàn bà chửa lại hay hoang tưởng, nỗi ngờ vực của Chắt dần biến
thành sự sợ hãi. Chắt ngày đêm nơm nớp, thường mơ thấy mình đẻ ra quỷ
sứ ba đầu sáu tay. Càng gần đến ngày sinh Chắt càng thêm hoảng loạn,
nhiều lúc như điên dại, khóc lóc, van vỉ chồng nói sự thật. Ngược lại Ba
Nghệch ngày càng lì lợm cục cằn.
Hôm ấy Ba Nghệch về nhà không thấy vợ đâu. Linh tính mách bảo
hắn chạy ra bến buộc thuyền. Chắt khi đó đã có chửa tháng thứ bảy, bước
đi lảo đảo như người mộng du. Ba Nghệch đuổi kịp vợ trên sườn đảo, đúng
chỗ ngày nào Chắt đã chòng ghẹo hắn.
- Mình đi đâu? - Hắn ngăn vợ lại.