Và cô ấy sẽ tha thứ nếu cô ấy buộc lên cây sồi già một dải ruy băng
Cô đã nghe câu chuyện này nhiều lần rồi. Câu chuyện có thật và xảy
ra vào năm 1972 ở một miền nào đó của nước Mỹ - nơi mà cô sắp đến.
Chuyện kể về một người con trai phải đi tù ba năm vì phạm tội. Anh viết
thư cho vợ và nhắn cô ấy nếu còn yêu và tha thứ cho anh thì hãy buộc lên
cây sồi già duy nhất trong quảng trường của thị trấn họ sống một dải ruy
băng vàng vào ngày anh sẽ mãn hạn tù. Nếu anh đi xe đò qua mà không
thấy có dải ruy băng vàng đó, anh sẽ rời thị trấn và bỏ đi biệt tích, không
quay lại làm rầy cô nữa.
Chuyện cũng kể rằng người con trai này đã khóc nức nở khi anh nhìn
thấy hàng trăm dải ruy băng vàng được buộc quanh cây sồi già trong quảng
trường thị trấn vào buổi chiều hôm anh trở về nhà.
Năm 1972, đĩa nhạc này của Tony Orlando trở thành đĩa bán chạy
nhất. Tháng 12 năm đó, nước Mỹ - trong một nỗ lực cuối cùng của những
kẻ sắp bại trận - đã ném bom tàn phá Hà Nội của cô vào chính những ngày
Giáng Sinh. Những người mẹ, người chị Mỹ phản chiến cho chiến tranh
Việt Nam bắt đầu đeo một dải ruy băng vàng trên ngực áo với thông điệp:
hãy đưa những người lính trở về nhà. Năm 1991, cuộc chiến ở Iraq một lần
nữa làm thay đổi ý nghĩa của dải băng vàng. Nhưng lúc nào nó cũng vẫn là
niềm tin, tình yêu và tha thứ.
Cô nằm nghe bài hát rất nhiều lần, rồi ngủ quên lúc nào không biết.
Buổi trưa hôm sau ở sân bay Nội Bài, cô cười rất tươi, ôm hôn bạn bè, các
chị em gái rồi vội vàng đi vào phòng cách ly. Hai tiếng sau, ở sân bay mới
xây nằm cạnh bờ biển của Hồng Kông, cô ngồi một mình trên ghế dài mặc
cho nước mắt chảy xuống.
***