Hoàng Quốc Hải
BÃO TÁP CUNG ĐÌNH
CHƯƠNG 15
Từ khi mời được cư sĩ Phùng Tá Thang về triều làm thày dạy học thay cho
quan sư phó, nhà vua lấy làm mãn nguyện. Những điều tiên sinh giảng giải
rất hợp ý nhà vua. Trần Cảnh là người tôn sư trọng đạo. Nhà vua khẩn
khoản mời tiên sinh vào ở ngay trong nội điện, để tiện việc học hành, và
cũng là để được đàm đạo nhiều hơn.
Tiên sinh lấy cớ rằng ông không quen ở nơi đô hội. Ông chỉ muốn sống
một mình cho tĩnh lặng, vừa tiện việc đọc sách và viết sách. Bởi thế nhà
vua đã thu xếp để tiên sinh ở điện Cao Minh gần cửa Đại Hưng. Tuy vậy,
tiên sinh cũng khéo léo từ chối và xin được ở chùa Thắng Nghiêm, đối diện
với cửa Đại Hưng ở phía ngoài hoàng thành. Nhà vua vui vẻ chấp nhận, vì
có đôi lần qua lại Thắng Nghiêm, ngài tỏ lòng mến mộ cảnh chùa u nhã, lại
được vị thiền sư trụ trì là người đạo cao, đức trọng. Hằng ngày, tiên sinh
thường đến giảng kinh sách cho nhà vua tại điện Nhật Minh. Xong ông lại
lui về trụ tại chùa Thắng Nghiêm. Nhà vua đã dựng cho tiên sinh một mái
thảo đường ngay dưới gốc cây bồ đề sum sê, soi bóng xuống hồ bán
nguyệt, và kế cận với vườn hoa rợp bóng các loài mẫu đơn trắng, đỏ, vàng
xen với ngâu, ngọc bút, bạch trà, ngọc lan… bốn mùa tỏa hương thơm ngào
ngạt.
Một hôm bất chợt Thái tôn vi hành tới thăm Phùng tiên sinh. Nhà vua cải
dạng như một nho sinh, có tiểu đồng đi theo, quẩy hai chiếc tay nải nhẹ
tênh. Qua tam quan, tiểu đồng dẫn nhà vua theo con đường quanh co trong
vườn chùa. Khen thay chỉ có một vuông đất không rộng lắm, mỗi bề bất
quá hơn một ngàn bước chân, mà nhà chùa sắp xếp cây cối, nhà cửa, đường
đi lối lại cứ như là đường vào cõi thượng giới. Đây là rừng đại ngàn với
những cây muỗm cổ thụ, thân cao vút, gốc xù xì, cành lá vươn dài, tán khép
dầy. Loáng thoáng có những giọt nắng xuyến qua kẽ lá, trải lốm đốm trên
nền cỏ đã ngả sang màu lục nhạt, nom như những bộ da của đám hươu sao
trên thung Yên Tử. Kia là một dải suối, chảy róc rách qua những khe đá