không đọc. Nét chữ bay bướm, một cách tài tình. Chỗ đậm, chỗ nhạt,
khoảng sáng, khoảng tối nom thật thanh nhã, sâu lắng, ẩn giấu một triết lý
cao siêu như tư chất của tiên sinh vậy. Nom những bức liên của tiên sinh,
khiến Thái tôn liên tưởng đến những bức sơn thuỷ hoạ của Vương Duy(5)
treo trong điện Thiên An.
Thái tôn đã cố gắng đoán mà không đoán ra một chữ nào, bèn kính cẩn hỏi
tiên sinh:
- Xin sư phụ đọc giùm cho, tiểu sinh quả là có mắt như đui.
Phùng tiên sinh liền cất cao giọng đọc:
PHẬT - NHO - LÃO TAM GIA NHẤT TRÙ
QUÂN SƯ PHỤ NÃI NGŨ LUÂN CHI YẾU(6)
Đọc xong, tiên sinh bèn giảng giải:
- Tâu bệ hạ, đấy là chữ của thầy tôi dùng trong bài văn sách, khoa thi tam
giáo năm Hội phong thứ sáu(7)
- Thưa sư phụ, Thái tôn nói - Cứ theo như ý trong đôi liễn này, có nghĩa là
tam giáo đồng nguyên?
Ngẫm ngợi một lát, Phùng tiên sinh đáp:
- Tâu bệ hạ, sự không phải vậy, nhưng lý là vậy đó.
Thái tôn lắc đầu:
- Thưa sư phụ, tiểu sinh không hiểu.
Phùng tiên sinh đem ra một be rượu kim cúc. Ông rót vào chén sành Bát
Tràng men ngọc, dâng vua.
Thái tôn chắp hai tay vái, chối từ. Nhà vua vẫn có ý chờ tiên sinh chỉ giáo.
Phùng tiên sinh sửa lại khăn áo, đốt lò trầm, rồi thong thả nói:
- Tâu bệ hạ, ba đạo Nho, Lão, Phật là do ba nhà chủ trương. Tông chỉ của
mỗi đạo cũng khác nhau về căn bản. Sự là như vậy, nên không thể nói ba
đạo cùng một nguồn gốc. Đời nhà Đường, đạo Phật du nhập từ Tây Trúc
sang Trung Hoa, đã bị nhà nước Trung Hoa chèn ép. Các giáo phái bài
xích, phản bác nhau mạnh mẽ. Sự tranh chấp quyết liệt đôi phen đã đổ máu.
Có người đã đứng ra hoá giải, cũng nói là “tam giáo đồng nguyên”(8). Vì
sự không phải là đồng nguyên, nên cuộc hoá giải không thành. Tranh chấp
kéo dài tới cả trăm năm, rồi ba đạo đó mới tìm được chỗ đứng trong nhau,