sống hoà thuận được với nhau.
Nhưng ở ta thì khác, các đạo Nho, Lão của Trung Hoa tràn sang ta. Các cụ
ta lý hội ngay được sự tinh tuý của hai đạo lớn đó. Tiếp đến khi đạo Phật từ
Tây Trúc tràn sang. Rồi sau nữa đạo Phật cũng qua đường Trung Quốc tràn
vào. Các cụ ta đều nhiếp thống được cái tinh tuý của tam giáo. Thành thử ở
ta không có sự chèn ép giữa các tông giáo. Đến đời nhà Lý, từ Lý Thái tổ
đã lấy đạo Phật làm Quốc giáo. Song không vì đưa đạo Phật lên vị trí siêu
việt mà có sự bài xích Nho, Lão.
Nhà vua nghe Phùng tiên sinh giảng giải thật là chăm chú. Đôi mắt nhà vua
nhìn vào miệng Phùng tiên sinh - nơi phát ra những lời nói vừa mộc mạc
vừa cao siêu, khiến nhà vua như uống lấy từng lời.
Nhấp một ngụm rượu, tiên sinh lại nói:
- Về sự là như vậy. Song về lý thì cả ba tôn giáo đều có chỗ nhất quán,
nghĩa là vừa siêu nhiên, vừa hiện thực. Nho, Lão, Phật đều không phải là
những hệ thống đóng mà là dòng nước luôn luôn lưu thoát. Ở nước ta, các
bậc minh quân thường kiêm dùng cả ba đạo, gồm cả xuất lẫn nhập, cả siêu
nhiên lẫn hiện thực, lấy cái nọ chế thắng cái kia cho thêm phong phú tinh
thần về đường khai phóng. Bởi thế, việc kén hiền tài cũng xuất phát từ tam
giáo. Ví như đã trúng cách khoa minh kinh bác học rồi, lại phải trúng cách
khoa tam giáo nữa mới được bổ dụng.
- Tâu bệ hạ, vậy là các cụ ta, đã tạo ra được một đạo mới thấm nhuần ý
nghĩa nhân văn siêu việt của tam giáo, trở thành nền đạo thống của quốc
gia. Cái lý về tam giáo đồng nguyên chính là ở đấy.
Thái tôn cuối đầu suy tư. Nom dáng vẻ nhà vua đã vượt ra khỏi tầm vóc
của một thiếu niên. Phùng tiên sinh ngừng lời lâu rồi, nhà vua vẫn còn miên
man với những ý nghĩ về dân, về đạo. Chợt Thái tôn ngẩng nhìn Phùng tiên
sinh, nhà vua có cảm giác như là thầy đã biết cả gan ruột mình rồi.
Lúng túng vua nói:
- Sư phụ, những điều thầy nói vừa cao minh, vừa uẩn ảo, khiến tiểu sinh
thấy băn khoăn khó nghĩ quá.
- Tâu bệ hạ, chẳng hay có điều gì làm bệ hạ phiền lòng? Bần đạo tuổi cao,
tránh sao khỏi, sự khiếm khuyết, mong bệ hạ đại xá.