- Ồ không! Thưa sư phụ, những điều mà sư phụ thường giảng giải cho tiểu
sinh sâu rộng quá, nó hàm chứa cả nhân, cả nghĩa, cả đạo nữa. Tiểu sinh tự
thẹn vì mình ở ngôi cao mà chưa làm được điều gì ích dân lợi nước. Tự
thẹn còn vì tiểu sinh được người họ Lý nhường ngôi. Mà rường mối cương
thường lại cũng chính do các triều vua Lý đặt nền móng cả. Làm được như
nhà Lý đối với dân, đối với đạo ở các thời thịnh đã khó. Vượt được nhà Lý
về mọi mặt là muôn khó. Thưa sư phụ, gần đây thái sư thống quốc đã cho
san định bộ bình luật, tiểu sinh đã chấp thuận bố cáo cho thần dân đều biết
mà thi hành. Nhưng trong lòng vẫn còn áy náy.
- Bệ hạ áy náy điều gì? - Phùng tiên sinh nhẹ hỏi như là một sự khuyến
nhượng, khiến nhà vua phấn chấn hẳn lên, ngài nói:
- Thưa sư phụ, điều tiểu sinh thấy chưa được yên ổn trong lòng, ấy là hình
luật xem ra có bề hà khắc.
Phùng tiên sinh lấy làm cảm kích thiện tâm của đức vua. Ông không khỏi
sung sướng vì đã dậy cho hoàng thượng nhuần thấm được cái đạo nhân
nghĩa ở đời. Tự dưng nước mắt ông nhểu ra.
- Tâu bệ hạ, bần đạo đã có đọc qua bộ hình thư đó. Bần đạo cũng có cái
cảm nhận như bệ hạ. Song le, mấy chục năm nay kỷ cương nát mục, luân
thường đảo lộn, dưới trên lẫn lộn, ác thiện khó phân. Nhà Trần ta mới được
thiên hạ, nhẽ ra phải làm trước hết là các việc thiện đức. Khốn nỗi xã hội
rối như một mớ bòng bong, thế thì làm sao thi hành được cái đạo của nhà
vua. Cho nên phải dựa vào hành pháp để khôi phục đạo thống, lập lại kỷ
cương, rồi sau đó mới có thể làm sang việc khác. Bộ hình thư đó lúc này là
cần thiết. Nhưng khi dân đã đi vào kỷ cương lễ luật rồi, hình pháp phải
khoan giảm.
Thái tôn nhích lại gần Phùng tiên sinh hỏi:
- Thưa sư phụ, khi đã ổn cố được kỷ cương rồi thì phải làm gì?
Tiên sinh cười, vui vẻ đáp:
- Ổn cố được kỷ cương đâu phải chuyện một sớm một chiều làm được. Việc
này cực kỳ hệ trọng, vì nó xây dựng rường mối cho một triều đại. Việc hình
luật muốn có thành tựu là phải nghiêm. Trước hết đối với những người làm
ra luật pháp, những người cầm cân nảy mực trong bộ máy quốc gia, không