Xã hội rối loạn bắt đầu từ sự sa đoạ lương tri, tâm linh đoạ lạc.
Từ đấy nhà Lý, bắt đầu từ Lý Cao tôn, và kết thúc ở Lý Huệ tôn. Hai cha
con ông này đã chôn cất trọn vẹn sự nghiệp hơn hai trăm năm huy hoàng
của cả dòng họ.
Phùng tiên sinh ngừng lời, khiến Thái Tôn ngỡ ngàng, vì nhà vua đang
chăm chú lắng nghe. Thái tôn khiêm nhường hỏi tiên sinh:
- Thưa sư phụ, có một điều tiểu sinh chưa rõ lắm, nếu các điều như tiên
sinh dậy đã được hoàn tất, thì ngôi quân trưởng như tiểu sinh còn phải làm
những gì nữa để dân chúng được an cư lạc nghiệp, nhà nhà hạnh phúc.
Nghe nhà vua hỏi, trong lòng tiên sinh loé lên một niềm vua lớn. Tiên sinh
ao ước, nếu như vào tuổi trưởng thành, khi đã nắm trọn quyền lực trong tay,
mà nhà vua vẫn còn muốn hỏi han những người am tường thế sự, những
người có thiện tâm với dân, với nước. Ôi nếu được như vậy thì Thái tôn sẽ
là ông vua mở nghiệp sáng giá. Mặc dù sự lên ngôi của nhà vua, ngay cả
công việc điều hành triều chính, lèo lái con thuyền quốc gia đều do tay Trần
thủ độ sắp đặt. Sợ rằng nhà vua không chịu tu chính nhân cách, trau dồi đạo
học, để trở thành một người mẫn tuệ, thiện đức mà chỉ ham mải cung nữ,
mê say các lạc thú trần gian thì sớm muộn cũng trở nên một bạo chúa. Mấy
chục năm qua, chỉ vì bậc quân trưởng ngu tối. Xiết bao người chết oan
khuất vì đói rét, bất công. Đi về nẻo nào cũng thấy xác người. Tai chất đầy
tiếng rủa nguyền hờn oán của đám lê dân. Chính vì thế mà tiên sinh không
tiếc sức mình để huấn hỗ cho đức vua trở thành đấng minh quân, đem hạnh
phúc đến cho mọi nhà. Nghĩ vậy tiên sinh bèn nói:
- Tâu bệ hạ, thật là phúc cho trăm họ, khi người quân trưởng có bổn tâm chí
thiện. Nay bệ hạ nắm giữ ngôi trời, mà lúc nào cũng lo đến làm lợi cho dân,
ắt là dân được nhờ. Thế là nhà vua đã thể theo mệnh trời. Nhưng mệnh trời
không nhất định. Thiện thì được. Không thiện thì mất. Như nhà Lê mất về
tay nhà Lý. Nhà Lý mất về tay nhà Trần. Chẳng qua là các triều đại về sau
không giữ được đức thiện, làm trái lòng dân, nghịch mệnh trời. Vì sao vậy?
Vì rằng Vua thay Trời trị dân, thì Vua muốn điều gì là Trời muốn điều ấy.
Thế nhưng Trời lại chiều Dân. Cho nên Vua làm điều gì trái lòng Dân, tức
là trái mệnh Trời. Bởi thế đức Vua tuy được quyền thay Trời, nhưng phải