không còn danh nghĩa gì để đem quân về kinh sư nữa.
- Thưa tiên sinh, Trần Thủ Độ nói xen vào - Việc sách lập Chiêu Thánh làm
hoàng thái tử để nhường ngôi, là ý của tiên sinh chứ đâu phải ý của tôi. Tôi
chỉ biết nghe lời tiên sinh.
Hoàng tiên sinh cười rạng rỡ. Ông quơ lấy chén rượu uống một hơi can
sạch, như để tự thưởng cho cái mưu của ông đã được người học trò dũng
lược đem ra thi thố thập phần hoàn hảo. Tiên sinh nói, giọng hồ hởi:
- Một bên là “tôi xui” quan ông, một bên là cả “triều đình xui” quan ông.
Nếu quan ông không có bản lĩnh chắc là phải nghe triều đình chứ. Tôi nói
thì dễ, chứ quan ông làm khó lắm. Sự phản trắc đầy triều. Lúc nào cũng có
kẻ rình rập. Không phải là tay trí dũng hơn đời, không thể làm nổi các mưu
sâu chước lạ. Vả lại nếu không dẹp bỏ được lòng tham vô lối, tức là coi
ngai vàng hơn xã tắc(2) để hướng về cái cao đẹp hơn, dễ gì quan ông đã
nghe tôi. Tôi chỉ lý giải một trong bảy đức tính quí báu đó của quan ông, để
tự xét mình mà thôi.
- Dạ được, tôi sẽ lần lượt nói cho đủ bảy đức tốt của quan ông:
- Một là quyết đoán.
- Hai là không thiên kiến.
- Ba là trọng người hiền.
- Bốn là không tham lợi nhỏ.
- Năm là không nghe lời gièm.
- Sáu là dũng lược.
- Bảy là biết đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết thảy.
Có bảy đức tính đó, lo gì việc kiêm tính thiên hạ.
Thấy Hoàng tiên sinh nói đến việc kiêm tính thiên hạ, Trần Thủ Độ giật
mình lạnh toát cả sống lưng. Ông phải lấy việc gọi lão bộc vào pha trà để tự
trấn tĩnh. Giây lâu, ông mới cất tiếng hỏi:
- Bẩm tiên sinh, quả là tiên sinh quá yêu, nên tiên sinh đã cho kẻ quê mùa
này nhiều thiện đức của các bậc kỳ tài trong thiên hạ.
- Quan ông điện tiền chỉ huy sứ, xin hãy cứ bình tâm. Không phải quan ông
chỉ có thiện đức cao quí, mà quan ông cũng có nhiều điều bất thiện, còn ẩn
náu kỹ càng dưới chiếc mũ tiến hiền và trong bộ tử phục(3) hầu kia.