Chỉ nên lợi dụng cái danh của ông ta để điều hành việc triều chính, và sai
khiến thiên hạ. Chính tiên sinh đã gợi cho Trần Thủ Độ một vài việc cần
làm. Ví như việc sách lập Chiêu Thánh làm hoàng thái tử, rồi đưa “Hoàng
thái tử” lên kế nghiệp. Tiếp đó ông ta lại nghĩ ra chuyện đưa luôn thằng bé
tám tuổi, cháu ông ta vào chầu hầu vua nhỏ, với chức chánh thủ. Vậy thời
thằng bé ấy, kết duyên với con bé kia, là chuyện đương nhiên. Vì cha chú
chúng đã có chủ ý”.
Sực nhớ đang trò chuyện với Trần Thủ Độ, Hoàng tiên sinh nói như người
vừa mới chợt nghĩ ra:
- Thế tất còn một việc trọng yếu sau cuộc hôn nhân này, tới lúc nào mới
được thực thi? Thưa quan ông.
Trần Thủ Độ giật nảy mình như người dẫm phải gai. Ông tự hỏi: “Ông già
này như biết hết ruột gan ta. Thật không có việc gì có thể qua được mắt tiên
sinh”. Thay vì trả lời, Trần Thủ Độ mỉm cười và hỏi lại:
- Xin tiên sinh dạy cho, nên làm vào lúc nào là tốt nhất?
Hoàng tiên sinh lại nghĩ: “Con người này tuy ít học, nhưng sáng ý lạ
thường. Chỉ gợi cho ông ta một bước, là ông ta bước tiếp cả một chặng dài.
Thuần những bước đi chắc nịch. Ông ta thuộc loại người đa mưu túc trí,
nếu được dẫn dắt vào con đường lương thiện, hẳn nhiên sẽ trở thành con
người đức độ, làm rường cột cho quốc gia. Ông ta thuộc loại người có thể
chia sẻ quyền lợi chứ không chia nhường quyền lực. Gặp lúc hiểm nghèo
có thể nhún chứ không lui. Trong lúc thế nước ngàn cân treo sợi tóc, hoạ
nồi da xáo thịt đang hăm doạ muôn dân; phải có những người đại hùng, đại
trí như thế này mới mong gỡ được thế cuộc. Ở ông ta cái thiếu không phải
là trí hoặc dũng, mà là nhân. Nếu ông ta tu chính để thành người nhân
nghĩa nữa, chắc chắn ông ta sẽ trở nên một bậc thánh”. Giây lâu, tiên sinh
mới lại hỏi:
- Việc này quan ông làm càng sớm càng tốt. Bởi có chính danh vị mới định
được danh phận.
Hoàng tiên sinh thấy trong lòng êm nhẹ, bởi thế nước có cơ an thịnh. Tiên
sinh cũng tin nơi Trần Thủ Độ, có thể lèo lái được con thuyền quốc gia, tới
bến bờ đắc thắng. Vả lại, trong triều cũng còn nhiều bậc lỗi lạc, có thể giúp