Quan đứng đầu ti Đại lý là Văn Ngạn Bác đem Tòng Phước ra tra, nó khai
y như lời đã nói với Bao Công khi trước. Ngạn Bác liền sai sai dịch đón
đường thu các lễ vật của Thái thú Phụng Dương, không cho lọt vào tay kẻ
khác.
Khi đem tám chậu cảnh vào đại đường thời rõ là cành tùng uốn rất khéo
léo, kết nhành đấu lá thành tám chữ "Phước như đông hải, Thọ tỉ nam sơn".
Ai vô ý dòm thoáng qua không biết là cây cảnh mà nhận là chữ kết chẳng
sai. Ngạn Bác truyền chúng đem chậu chữ Phước, moi ra xem không thấy
vàng đâu cả. Moi hết tám chậu đều không có vàng, duy trong chậu chữ Sơn
có một cái thẻ ngà, bề mặt đề chữ: "Của vô nghĩa”. Bề trái đề chữ: "Biết ý
nên lấy “. Ai nấy thấy vậy đều lấy làm lạ, không hiểu ý gì. Ngạn Bác liền
đem Tòng Thọ ra tra. Tòng Thọ khai rằng: "Vàng ấy quả thật có, nhưng
mất đi đâu không biết được. Duy lúc đi đường có gặp bốn người, dắt theo
rất nhiều tùy tùng, nói rằng mình làm chức hiệu úy tại phủ Khai Phong họ
Vương, Mã, Trương, Triệu. Bốn người ấy ở chung với chúng tôi, cùng ăn
uống một bàn. Không rõ cớ nào, chúng tôi ăn uống xong, say mê man rồi
bọn ấy đi mất, bây giờ vàng cũng hết, e bọn ấy lấy đi“.
Ngạn Bác nghe khai không biết làm sao, bèn đem luôn thẻ ngà ấy, vào tâu
lại mọi lẽ cho Thiên tử nghe. Vua Nhân Tôn day lại hỏi Bao Công, Bao
Công tâu rằng: "Muôn tâu Thiên tử, . bốn người thường thường ở hầu tại
bản phủ không khi nào đi xa, nay có việc này, chắc là có kẻ mượn tên giả
mạo". Vua Nhân Tôn liền phú việc cho phủ Khai Phong tra và xuống chỉ
triệu Tôn Trân về triều, còn Tòng Phước và Tòng Thọ được tha bổng.
Bàng Thái sư và rể là Tôn Vinh nghe việc ấy lập tức viết sớ xin tội, vua
Nhân Tôn có đức khoan hồng nên dung xá cho. Duy có Bao Công cứ việc
tra xét, nên tới ngày sinh nhật, Bàng Kiết giao cả các việc cho con rể lo
liệu, mình không tiếp khách, nằm lỳ tại thư phòng, căm giận Bao Công vô
hạn, lập kế này mưu nọ, hại cho được mới yên lòng. Đương lúc Bàng Thái