sư nghĩ mưu định kế, chợt có tiểu đồng lên thưa rằng: "Bẩm lão gia có hai
bà tới chúc thọ". Bàng Kiết nghe bẩm mặt tươi như hoa, mừng như trẻ được
kẹo, ngồi nhổm dậy đi ra lan can nhìn xuống thấy Trạc Tử và Yến Hồng đi
lững thững dưới đường, xiêm vàng, quần đỏ, áo lục, khăn xanh, xen với cúc
sứ, hạnh, lài, thật đẹp đà chóa mắt. Bàng Kiết mê mệt với cái bóng sắc của
hai nàng hầu, còn đứng dựa lan can mê mẩn, hai nàng đã dắt thị tì tới nơi.
Trạc Tử, Yến Hồng bước vào thư phòng ra mắt Thái sư và chúc mừng vạn
thọ. Bàng Kiết nói: "Nay hai ái thiếp tới đây, để cùng ta chia mừng, thật là
lương tiêu hi hữu vậy”. Yến Hồng đáp: "Nay là ngày sinh thời của Thái sư
chúng tôi xin tới đây bái lễ". Bàng Kiết nói: "Hai ái thiếp tới đây cũng đủ
vui rồi, cần gì phải bái lễ". Trạc Tử, Yến Hồng cứ việc sai liễu hoàn trải
nệm lông chiên rồi hai nàng làm lễ. Lễ xong chia nhau một nàng một bên
hầu chuyện với Bàng Kiết, cả hai đem hết tài ra để chiều chuộng Thái sư.
Lạ gì! Đêm xuân, sắc ngọc, hoa đẹp, trăng trong, dầu cho sắt đá cũng còn
mềm, hà huống lửa tình ai chẳng nóng. Bây giờ Bàng Kiết đã muốn hồn
hóa bướm vào chơi vườn uyển trăm hoa, nên cái vẻ âu yếm có phần lả lơi.
Chưa mấy lúc mà màn loan rủ bức, trướng gấm tuôn đều.
Đương lúc cùng nhau hoan hội, dưới lầu tiểu đồng chạy rầm lên.
Thật là:
Cuộc vui chưa thỏa chí ông Bàng,
Tin khách đã giục chân chú Tiểu.