Các vị anh hùng cáo từ lui ra. Lư Phương tỏ ý muốn đi theo Bạch Ngọc
Đường. Tưởng Bình cản rằng: "Đại ca chú biết năm đi đâu mà theo, đó
chẳng qua bắt bóng đạp hình mà thôi". Triển Chiêu nói: "Chắc là về đảo
Hãm Không”. Lư Phương hỏi: "Sao Hộ vệ lại biết?". Triển Chiêu bèn ngâm
bốn câu thơ khi nãy lại cho ai nấy cùng nghe. Lư Phương nghe xong lộ vẻ
thẹn thuồng ngỏ ý rằng: "Ngũ đệ tính ngang tàng, làm việc hay ỷ mạo, vậy
chúng tôi phải theo nó mới được". Triển Chiêu can rằng: "Đại ca đi không
tiện, xin hỏi: Nếu đại ca gặp Ngũ đệ đòi tam bảo, Ngũ đệ không trả thời
làm sao? Không lẽ vì nghĩa mà đoạn tình! Tôi nghĩ việc ấy, để tôi đi là
phải". Tưởng Bình nói: "Triển huynh đi cũng không tiện, Ngũ đệ mưu kế
khó lường, e chẳng khỏi có phần mai phục, vả lại đường lối đảo Hãm
Không, Triển huynh không rành làm sao biết mai phục chỗ nào mà tránh,
chi bằng để cho tôi đi tìm nhị ca, cùng về đảo Hãm Không, giữ Ngũ đệ lại
làm tay nội ứng, chừng ấy Triển huynh sẽ tới, đó là kế vẹn toàn".
Công Tôn Sách khen lời Tưởng Bình là phải, nên Triển Chiêu cũng giả ý
nghe theo, song trong bụng bất bình lắm.
Hôm sau Tưởng Bình vào hầu Bao Công, tỏ ý rằng mình muốn đi tìm Hàng
Chương và xin cho Trương Long, Triệu Hổ phụ sức. Bao Công hỏi: "Hàng
nghĩa sĩ dấu chân khắp xứ, lững thững như chân bèo, biết đâu mà tìm".
Tưởng Bình thưa: "Vả chăng tại huyện Bình có ngọn Túy Vân Phong là nơi
mộ phần thân mẫu của nhị ca tôi, mỗi năm nhị ca đều tới đó để tế tảo. Vậy
chúng tôi xin đến đó tìm kiếm một phen". Bao Công nhận lời, truyền cho
Trương, Triệu cùng đi với Tưởng Bình.
Mấy người cùng nhau ra đi. Triệu Hổ có lòng ghen ghét Tưởng Bình nên ít
chuyện vãn, mỗi khi vào quán ăn cơm lại ăn riêng, giao ước ai ăn nấy trả
tiền không cho ai quấy nhiễu ai cả. Trương Long thấy thế cũng buồn,
Tưởng Bình chẳng hề để ý. Đi ít lâu đã tới Tuy Vân Phong, giữa chừng núi
có cảnh chùa Linh Hựu, ba người bèn vào ở tạm. Tưởng Bình nhân có quen
với hòa thượng bèn hỏi rằng: "Hàng nhị gia đã tới đây tảo mộ chưa?". Hòa
thượng đáp: "Vẫn chưa thấy". Tưởng Bình cả mừng quyết thế nào cũng gặp
được Hàng Chương nên bàn với Trương, Triệu phải ở lại chùa chờ đợi.
Triệu Hổ thấy nhà Vân Đường rộng rãi mát mẻ, bèn sai dọn hành lý vào ở