Ông Đào thở ra một hơi dài khoan khoái. Thế là mục tiêu chủ yếu của chiến
dịch này, của cả cuộc chiến này đã bị đánh chiếm. Cuộc trường chinh dằng
dặc ba mươi năm đã đến cây số cuối cùng. Một cảm giác lâng lâng khó tả
trào lên trong lòng ông. Cố nén nghẹn ngào, ông bóp công tắc phát rồi bình
thản:
- Xin cảm ơn các đồng chí! Nhớ bố trí đội hình đề phòng địch phản kích.
Tôi sẽ vào ngay!
Trao trả bộ cáp nghe cho người chiến sĩ thông tin, ông Đào quay lại ngắm
nhìn gương mặt 5 liệt sĩ rồi nhẹ nhàng giắt lại các mảnh tăng. Năm huyệt
mộ đã đào xong, màu đất phù sa sông Sài Gòn nâu sẫm chẳng khác mấy
màu đất quê hương ông ven sông Hồng. Quay lại phía Cán, ông hạ giọng:
- Mai táng cho anh em cẩn thận rồi lập sơ đồ mộ chí cụ thể vào nhé. Tớ đi
đây. Lúc nào xong việc tớ sẽ ra thắp hương cho anh em.
Khi mấy thầy trò lên đến chỗ chiếc xe con thì một đoàn xe tăng đang phăm
phăm lao tới. Dường như đã nhận ra người đứng bên đường là tư lệnh binh
chủng, chiếc xe tăng đi đầu giảm tốc độ rồi dừng hẳn lại. Từ trên xe, trưởng
phòng tác chiến Phùng và một cán bộ nhảy xuống chạy đến trước mặt ông
Đào. Nhìn người cán bộ chạy cạnh Phùng, ông Đào thấy có nét quen quen.
Phùng đã tới trước mặt tư lệnh, anh đứng nghiêm:
- Báo cáo tư lệnh, đây là mũi thọc sâu của binh đoàn Mê Kông. Vì địch đã
phá mất cầu Mới nên buộc phải vòng ra xa lộ. Còn đây là đồng chí Cân,
chính trị viên đại đội của tiểu đoàn 21.
Ông Đào đưa tay bắt tay Cân. Một ánh chớp lóe lên trong trí nhớ. Thì ra
đây là cậu chiến sĩ hay thơ của đại đội 9 năm nào. Ông hồ hởi:
- Chào đồng chí! Thế là tất cả chúng ta lại gặp nhau ở Sài Gòn.
Nhìn về đoàn xe tăng vẫn đang gầm gừ nổ máy phía sau, Cân nhỏ nhẹ:
- Xin phép thủ trưởng, chúng tôi phải đi ạ.