Ông Đào không nói gì mà chỉ lẳng lặng gật đầu. Ông ngồi xuống khẽ vạch
mảnh tăng trên mặt của các liệt sỹ ra ra. Tất cả đều còn rất trẻ. Nhiều tuổi
nhất chắc là Nhã. Anh nằm giữa những người đồng đội, những vết máu trên
mặt đã được lau sạch. Trên vầng trán rộng và phẳng là một lỗ đạn sâu hút
chỉ nhỏ bằng đầu đũa. Gương mặt anh thanh thản như người nông dân vừa
cày xong thửa ruộng, như người thợ vừa rời cỗ máy sau ca làm việc. Với
người tiểu đoàn trưởng này, ông Đào có nhiều kỷ niệm nhớ đời. Đó là cuộc
gặp gỡ không hẹn mà nên ở Triển lãm chiến thắng Đường Chín- Nam Lào.
Đó là những tháng ngày ác liệt ở chiến trường Quảng Trị năm 1972… Mới
hôm qua thôi, ở đầu cầu Sông Buông ông còn bắt tay anh chúc hoàn thành
nhiệm vụ. Và vừa mới đây thôi, ông vẫn được nghe cái giọng trầm ấm và
quyết đoán khi anh lệnh cho tiểu đoàn xung phong vượt cầu. Từ đôi mắt
ông, hai dòng lệ ứa ra làm mờ cả cặp kính. Đồng ý rằng chiến tranh là có hy
sinh, mất mát. Hai cuộc chiến tranh kéo dài gần ba mươi năm trên đất nước
này đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng trai trẻ như các đồng đội của ông đang
nằm đây. Nhưng cái chết của 5 chiến sĩ này vẫn làm ông thấy xót xa quá
đỗi. Họ chết khi khoảng cách đến thắng lợi chỉ còn tính bằng giờ, bằng
phút. Ông ngồi lặng đi và chỉ bừng tỉnh khi người chiến sĩ thông tin đeo cái
đài 2 oát lúp xúp chạy tới bên:
- Báo cáo thủ trưởng, có điện của H03.
Vồ lấy đôi cáp nghe chụp vội vào đầu, ông Đào cố nén xúc động nhưng vẫn
quên mật ngữ:
- Tôi, Đào đây!
Từ trong tai nghe vang lên giọng của lữ trưởng Tình, không khìn khịt như
mọi khi mà đầy hào sảng:
- Nghĩa Bình báo cáo! Nghĩa Bình đã đánh chiếm được dinh Độc Lập. Đại
đội trưởng đại đội 4 đã cắm cờ trên nóc dinh. Chính ủy Văn đang đưa
Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng. Báo cáo hết!