... Gần Tết Kỷ Hợi (1959), lao 1 lại đưa yêu sách: mở cửa ba ngày Tết,
ra sân chơi, hai lao 1 và 2 sang thăm lẫn nhau, biểu diễn văn nghệ. Bạch
Văn Bốn phải mời mỗi khám ba người đại diện ra bàn Tết với nó. Và nó đã
nhận giải quyết hầu hết các yêu sách của anh em.
Lúc này, mới có chuyến tầu đưa tù mới ra. Thêm 350 anh em vào lao
1.
Cái Tết năm này là cái Tết to nhất Côn Đảo. Gần hai năm chết chóc,
bệnh tật khủng khiếp không lung lay; tiếp theo sau, liền một năm đấu tranh
ráo riết không lùi bước, anh em lao 1 đã dồn địch vào thế lúng túng. Chúng
đã khiếp sợ tinh thần lao 1. Uy tín, danh hiệu của lao 1 bao trùm cả Côn
Đảo. Lao 1 đúng là miếng đất xã hội chủ nghĩa, thiên đường của những
người cộng sản.
Anh em chuẩn bị Tết rất rôm rả. Làm mỗi khám một đầu lân để múa.
Nhặt "cần xé" làm đầu, hai mảnh nón rách làm miệng lân rồi phết giấy, bôi
màu. Lắm cái đầu lân trông đẹp ra dáng. Anh em tập kịch, tập múa, xếp đặt
chương trình Tết. Và nhất là bàn kế hoạch "xé rào" chơi với lao 2 để trao
đổi tình hình và chủ trương phối hợp đấu tranh.
Đêm giao thừa, toàn thể lao 1 ngồi quay cả về hướng Bắc, im lặng,
ngay ngắn. Tuy ở trong tù, cái giờ phút tiếp giáp giữa hai năm mới, cũ này
vẫn cứ xiết bao đầm ấm. Ôi, cái Tết cổ truyền dân tộc mới đậm đà, sâu sắc
làm sao!
Sáng mồng một, cửa khám mở toang. Tất cả ra sân, quần áo đàng
hoàng, toàn một màu đen. Anh em ngồi ở hành lang, hướng về phương
Bắc. Một người đứng lên nói:
- Thưa các bác, các anh, một năm mới đã đến. Chúng ta thêm một tuổi
tù và thêm một tuổi đời. Điều ấy chỉ làm cho chúng ta thêm già dặn, chúng
ta thêm tin tưởng. Chúng ta đã sống và đã lớn. Mở đầu ngày Tết dân tộc