rất cảm động. Các thân hình loèo khoèo, bờm xờm râu tóc múa hát ngượng
nghịu, trông mà thắt lòng lại. Trong tù, ai cũng sẵn sàng đem hết tâm huyết
ra làm bất kỳ điều gì, cốt sao cho tập thể có thể cùng vui...
***
Bọn công an ghi từng tiết mục. Ngày mồng hai, địch không cho các
lao, các khám sang thăm nhau. Đang lúc đó, bọn công an lại bắt được mẩu
giấy của anh Sáu Cư viết về tình hình địch và chủ trương của ta có ký tên
ném sang cho hai khám 4 - 5 gồm anh em tù Phú Lợi mới ra. Địch ra lệnh
cấm cố tất, bắt đại diện các khám tra tấn; đại diện khám 8 là Xa bị đánh đau
nhất. Khám 8 và toàn lao 1 hò la đấu tranh đòi thả và cải thiện đời sống.
Nhưng rồi Xa "ly khai". Anh em khám 8 chịu đánh đập, bảo vệ anh Sáu Cư
thì Xa lại chỉ cho địch bắt anh. Anh Sáu Cư bị đánh gẫy mấy xương sườn,
nhưng trước sau vẫn không khai. Cuộc đấu tranh của lao 1 ảnh hưởng lớn ở
Côn Đảo. Nhiều binh lính không tham gia đàn áp và mỗi khi có chuyện gì
uất ức, vợ con binh lính lại hò la để đấu tranh.
Thằng đại úy Vận, tên ác ôn có nhiều nợ máu chồng chất ở Phú Lợi ra
Côn Đảo bổ sung cho bộ máy đàn áp tù. Sau Tết, thằng Bốn và thằng Giỏi
có việc về Sài Gòn, thằng Vận tạm thay, liền tác oai tác quái. Nó áp dụng
chính sách "nắm chỗ mềm" toàn nhằm người tỏ ra yếu tinh thần, già, ốm
yếu, đánh thật mạnh để cưỡng ép "ly khai". Một số không chịu nổi phải "ly
khai". Một hôm, chúng chọn 8 anh ở khám 6 theo thứ tự A, B, C đưa sang
lao 2 dụ dỗ "ly khai". Thằng Vận trực tiếp tra hỏi, và cho bọn đàn em tra
tấn 8 anh, trong đó anh Ẩn và anh Bửu bị đánh đau nhất, nhưng không một
ai "ly khai". Do tinh thần đấu tranh mãnh liệt của anh em và do nội bộ địch
mâu thuẫn, "chiến dịch máu" tháng 2, tháng 3 năm 1959 phải ngừng.
Tháng 7 năm 1959 địch dời lao 1 về lao 3 và lao 4, nhằm cô lập triệt
để lao 1, thực hiện âm mưu đánh phá lao 1 quyết liệt...