Trong khám lúc nào cũng rúc rích tiếng cười. Giữa các giờ học tập là
giờ "sản xuất". Thôi thì khắp khám ran ran các thứ tiếng gò lon, tiếng cưa
đột giây cáp làm kim, tiếng mài gáo dừa, xương bò, vỏ ốc tai tượng làm "cà
rá", tiếng khoan các bàn chải đánh răng làm bót thuốc lá v.v... Nhẫn gáo
dừa đen bóng như huyền lại có vân rất đẹp. Lập lắc nhôm có khắc tên họ
cẩn thận. Kim khâu bằng một sợi dây cáp, lỗ kim đục bằng cái ống cưa
thuốc tiêm, vậy mà vẫn sắc và có phần không hay gãy như kim mua ở
chợ...
Buổi tối, trong khám nhộn nhịp hẳn. Đây rạp "chiếu bóng", kia "rạp
tuồng". Và nọ "tiệm ăn". Mỗi chỗ một toán bá vai bá cổ nhau chuyện nở
như bắp rang. Rạp "chiếu bóng" kể chuyện phim đã xem hoặc đã nghe ở
người khác. Rạp "tuồng" cũng kể. Nhưng khán giả vẫn đông, hết chỗ, vòng
trong, vòng ngoài, có khi phải chiếu, phải diễn mấy lượt mới đủ".
Bọn địch đầy ải, bỏ người tù chết bệnh, chết tật, chết dần, chết mòn,
nhưng anh em đã nhất quyết sống, uống nước phân để mà sống, ăn cỏ để
mà sống, cắt máu ở ngón tay ra cho đồng chí mình mút để mà sống, ăn
sống nuốt tươi như thời nguyên thủy. Nguyễn Đức Thuận nói: "Đúng,
chúng tôi đã mút sống từ con ốc sên nhỏ bằng hạt đỗ bắt được dưới một
tảng đá, đến nuốt chửng các thứ chuột mới đẻ còn đỏ hỏn trong hang và
thạch sùng trên vách". Muốn sống ngay thẳng, muốn sống trung thành với
sự nghiệp cách mạng, muốn sống làm người thực sự, các đồng chí đồng
bào của chúng ta ở Côn Đảo đã phải giành lấy sự sống một cách xót xa, đau
thương như thế.
Không ở đâu tình thương yêu đồng bào, đồng chí, bảo toàn cuộc sống
cho nhau lại có thể hơn được ở đây. Họ thương nhau hơn cả ruột thịt, "anh
chỉ rên một tiếng là mọi người quây lại lo lắng, anh chỉ ú ớ một tiếng mê
sảng là chung quanh hồi hộp lắng nghe... Suốt thời gian anh bị ốm, lúc nào
cũng có ít nhất một bàn tay đặt trên người anh xoa bóp".