Ở trại Y, xà lim kỷ luật chật ních tù chống học tập, chống chào cờ. 61
chị trước đây bị giam tại xà lim kỷ luật đã bị chúng đưa về "trại" F. Việc
các chị đổi "trại" đã làm xôn xao nhà tù Phú Lợi một dạo. Địch bắt đổi
"trại", các chị không nghe. Các chị sợ về nơi khác, địch nhốt chung với
những người học tập, chào cờ thì như thế phong trào chống chính diện của
phụ nữ bị lu mờ. Địch xô vào toan dùng vũ lực, nhưng các chị bố trí chống
lại, chị nào có võ, khỏe mạnh ra trấn cả ở ngoài đánh nhau với chúng. Các
chị đứng móc tay vào nhau, địch không thể nào giằng tách ra được. Cuối
cùng, chúng phải lừa các chị: thình lình một hôm, chúng khua kẻng báo
động. Các chị ngỡ báo động thật vào trong khám nằm hết. Thế là chúng
xông vào kéo chân, kéo tay các chị lôi đi. Các chị bám lấy đất vùng vẫy,
kêu la. Quần áo các chị lê trên sỏi đá rách tả tơi, da thịt các chị chảy máu,
thân thể các chị lõa lồ. Chúng kéo các chị từ "trại" Y về "trại" F chừng hơn
một kilômét mà phải mất quá một buổi sáng.
Chúng tôi nghe chuyện này hết sức cảm phục. Người đàn bà khi quần
áo rách nát, da thịt hở hang thì thường e lệ, nhưng các chị đã không hề vì
các chuyện đó mà ảnh hưởng đến việc đấu tranh bảo vệ khí tiết cách mạng
của mình....
Ở Phú Lợi chẳng bao lâu đã đến Tết Giáp Thìn (1964). Chiều ngày 30,
anh em nhà bếp làm một con lân múa từ nhà bếp múa lên "trại". Con lân
này ai trông thấy cũng phải cười. Nó bẹp, nó rách, nó tiều tụy, nó thiểu não
quá chừng. Nó đã thể hiện được đúng dụng ý của anh em nhà bếp: để nó
tượng trưng cho cái chế độ đang suy sụp, điêu tàn ở miền Nam. Đêm giao
thừa cả Phú Lợi vang lên các bài hát cách mạng và kháng chiến. Các "trại"
đều hát. Tiếng hát vọng ra tới ngoài, nhân dân thức nghe và bảo nhau: "Hay
quá, không cần mở đài nữa!".
Hai giờ sáng, mấy tiểu đoàn lính ập vào. Một cuộc khủng bố toàn diện
diễn ra ở khắp các "trại". Trận đòn "khai xuân" này hết sức ghê gớm, độc
ác. Chúng đánh tù máu me đầm đìa mặt đất, máu chảy cả ra sàn, máu phọt