Côn Đảo nổi tiếng là một nhà tù dã man, tàn bạo nhất Đông Dương.
Côn Đảo cũng nổi tiếng là một trường đại học chính trị lớn nhất của Đảng
trong thời kỳ bí mật. Vào khoảng những năm 1930 - 1935, anh em tù theo
học chương trình huấn luyện cán bộ đã có hàng rương sách lý luận cơ bản
chủ nghĩa Mác - Lênin bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, trong khi luật lệ của
địch ra là tù không được quyền giữ ngay cả một mảnh giấy lộn. Những năm
1935 - 1940, các đồng chí ở Côn Đảo về đã góp phần rất quan trọng vào
phong trào xây dựng và phát triển Đảng cũng như vào việc tổ chức lãnh
đạo Đảng. Trong cao trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo 1940 - 1945, nổ
ra hai cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và Bắc Sơn, thực dân Pháp đã ra sức đàn
áp, bắt bớ. Lúc ấy, Côn Đảo có tới 5000 tù chính trị, hầu hết là những đảng
viên cộng sản và đồng bào yêu nước. Nhưng đến ngày Cách mạng Tháng
Tám thành công, xuống tầu dời Côn Đảo về đất liền chỉ có 1800 tù tất cả!
Còn lại hơn ba nghìn người đều đã gửi thân đời đời ở giữa những cồn cát
trắng lóa của nghĩa địa Hàng Dương. Hơn 1800 tù Côn Đảo về đất liền dạo
đó đã là một lực lượng quan trọng góp phần to lớn vào việc tổ chức và lãnh
đạo cuộc kháng chiến lần thứ nhất của dân tộc.
Trong kháng chiến, Côn Đảo lại là nơi giam tù đông nhất và tàn bạo
nhất. Ở đây lại diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người kháng
chiến bị cầm tù với bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Hòa bình được lập
lại, phần lớn anh em tù Côn Đảo đã tập kết ra Bắc, nhưng thực dân Pháp
vẫn giấu kín 500 tù ở đây, không chịu trả lại ta. Đến nay, nhiều người trong
số 500 tù này vẫn ở Côn Đảo, làm tù nhân của hai chế độ: Pháp - Bảo Đại
và Mỹ - Diệm.
Trong chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, Côn Đảo lại càng
chìm ngập trong máu hơn đâu hết. Côn Đảo càng trở thành địa ngục vượt
xa hẳn các địa ngục dưới thời Pháp - Nhật. Xưa Côn Đảo là nhà tù lớn nhất
của Đông Dương, nay Côn Đảo là nhà tù lớn nhất trong hệ thống nhà tù dày
đặc và đẫm máu của chính quyền phản động Sài Gòn.