Trọng Kiên và Nguyễn Vạn Tòng ghi tự loại của từng tiếng. Kể thì cũng
gượng. Vì ta nên nhớ rằng Việt ngữ, không có phần biến di tự dạng (nghĩa
là không thay đổi lối viết theo số nhiều, số ít, giống đực, giống cái), cũng
không có tự loại nhất định. Cùng một tiếng mà lúc thì dùng làm động từ,
lúc làm danh từ, hình dung từ…
Ví dụ: Tôi vác cần câu đi câu.
Tiếng “câu” sau là động từ, tiếng “câu” trước đi với tiếng “cần” thành một
danh từ.
và: Trăng rất trăng là trăng của tình duyên.
(Xuân Diệu)
Tiếng “trăng” thứ nhất là danh từ, tiếng “trăng” thứ nhì là hình dung từ.
NGỮ NGUYÊN
Tìm nguồn gốc một tiếng là một việc nhiều khi khó khăn nhưng luôn luôn
có hứng thú. Ta nên phân biệt:
a) những tiếng Việt – số này ít – như: ăn, mặc, một, hai, đi, đứng, nũng nịu,
trái chuối, con chó… Những tiếng đó hoàn toàn của ta, không do một tiếng
ngoại quốc nào ra hết.
b) những tiếng Hán-Việt, do tiếng Hán mà đọc theo giọng của ta như: tâm,
can, dụng, đắc…
c) những tiếng Việt hoá, tức những tiếng Hán-Việt mà bình dân thường
dùng rồi thay đổi ít nhiều như: tim, gan, dùng, được…