trọng? Tạo sao ra khỏi trường lại không chịu học nữa? Tại sao? Nền giáo
dục hồi xưa trọng đức dục hơn trí dục. Nay thì trái lại. Cả hai đều thiên
lệch hết. Tôi tin rằng sau này thế nào nhân loại cũng phải dung hoà cả hai,
những cuốn sách như cuốn này sẽ được dùng làm sách giáo khoa trong ban
Trung học
. Ở trường, chúng ta đã chưa được học, thì ra đời, lại càng
phải học. Mà có mất công gì đâu? Mỗi ngày chỉ cần một giờ thôi!
Sách có ích cho mọi hạng người. Ta đang gặp cảnh gió xuôi ư, thì sách sẽ
là cánh buồm căng thẳng đẩy thuyền ta mau tới bến. Ta đương lung tung
trong cảnh gió ngược ư, sách sẽ lấy cây sào chống đỡ thuyền ta cho khỏi
thụt lùi, khỏi đâm vào mõm đá, để tiến lên – dù rất chậm chạp – và đợi lúc
gió đổi chiều. Vì gió sẽ phải đổi chiều. Ta phải luôn luôn dự bị sẵn sàng để
đón gió.
Vậy chúng tôi xin Độc giả đọc kỹ cuốn này. Nếu bạn có chút nghị lực thì nó
sẽ đánh dấu một khúc quẹo trong đời của bạn và biết đâu chừng, nó chẳng
mang lại cho bạn một ngọn gió mới để đưa bạn đến bến mà bạn hàng mong
tưởng!
*
Sau cùng, còn một điều nữa, xin thưa trước với các bạn. Khi chúng tôi cho
ra cuốn Đắc nhân tâm, chúng tôi được nhiều bạn xa gần khuyến khích và
khuyên nên tóm tắt lại, nhưng vẫn giữ đủ ý của tác giả, để giá sách bớt cao,
nhiều người mua được. Vì vậy cuốn này đáng lẽ dịch hết (sách dày trên 300
trang), chúng tôi thu lại còn khoảng 150 trang, và trong một vài đoạn,
muốn cho được rõ ràng hơn chúng tôi đã sắp đặt lại ý của tác giả. Nhưng
chúng tôi vẫn giữ đủ ý chính trong sách. Riêng về chương V, tác giả chỉ
cách dùng tiếng Anh cho khéo, vì tác giả là người Anh, chúng tôi theo đúng
đại ý mà áp dụng vào tiếng Việt. Ngoài ra, chúng tôi không dám thay đổi