xơ xác. Ai có thể biết được nguyên do, lý lẽ để biện bạch cho những tai biến
này?
Barbicane không nghe Michel Ardan nói. Ông ngắm tường vách của
Clavius tạo nên những ngọn núi chạy dài trên nhiều con đường. Ở dưới đáy
của cái lỗ hổng vô tận đó có đến hàng trăm miệng núi lửa nhỏ đã tắt lỗ chỗ
và có một ngọn cao đến năm ngàn mét.
Chung quanh, đồng bằng có vẻ hiu quạnh, không đâu khô cằn bằng
những chỗ lồi lõm này, không gì buồn thảm bằng cảnh đồi núi đổ nát, rải rác
trên mặt đất. Vệ tinh hình như đã nổ tung ở chỗ này.
Đầu đạn vẫn bay về phía trước và cái mớ hỗn độn lộn xộn này vẫn
không thay đổi. Những đai vòng, những miệng núi lửa, những núi non sụt lở
nối tiếp nhau không dứt. Không còn đồng bằng và biển nữa.
Một nước Thụy Sĩ rồi lại một nước Na Uy, cứ lướt quanh thế giới
không ngớt. Sau cùng, giữa cái vùng nứt nẻ lại thấy sừng sững ngọn núi huy
hoàng nhất của nguyệt cầu, ngọn Tycho lộng lẫy – hậu thế vẫn luôn luôn gọi
nó với cái tên của nhà thiên văn trứ danh người Đan Mạch đã đặt.
Khi ngắm trăng rằm trong đêm mà bầu trời không có mây, ai cũng chú
ý đến cái điểm sáng ở Nam bán cầu này. Để miêu tả nó, Michel Ardan đã
dùng tất cả những hình ảnh ẩn dụ mà trí tưởng tượng của anh có thể nghĩ ra
được. Đối với anh, ngọn Tycho này là một lò ánh sáng, một trung tâm phát
xạ, một cái miệng núi phun những tia sáng. Đó là cái moay-ơ của một bánh
xe rực rỡ, một con sao biển đang quấn chặt cái đĩa bằng những chiếc vòi
trắng bạc, một con mắt khổng lồ rực lửa, một vầng hào quang đặt trên đầu
của thần Pluton! Đó là một ngôi sao mà chính tay Đấng tạo hóa ném đi, nó
sẽ bể tan trên mặt nguyệt cầu!
Tycho tích luỹ nhiều ánh sáng đến nỗi người ở địa cầu có thể nhìn thấy
nó mà không cần dùng ống kính, dù họ ở cách xa trăm ngàn dặm. Người ta
có thể tưởng tượng, ánh sáng của nó chói đến thế nào đối với những nhà
quan sát đứng chỉ cách đó một trăm năm mươi dặm! Xuyên qua không gian
trong vắt này, ánh sáng chói không chịu nổi của nó buộc Barbicane và các