Với Huy, ngoảnh đầu nhìn lại những đoạn đường mà cậu đã đi qua thì ta
có thể dễ dàng nhìn thấy những đắng cay cuộc đời mà cậu đã phải nếm trải:
Một thân một mình từ khi mới sinh ra. Lớn lên cùng với những đứa trẻ
không cha không mẹ ở trại mồ côi. Bắt đầu lăn lộn kiếm sống với đời khi
mới mười bốn tuổi bằng những mẩu vụn bánh mì nhặt từ thùng rác.
Dường như vẫn chưa muốn dừng lại việc tra tấn trái tim Huy, cuộc đời
còn nhẫn tâm gieo vào suy nghĩ cậu nỗi cô đơn, buồn tủi trong từng ấy năm
khi ngỡ rằng gia đình chỉ còn là những mảnh vụn bám trong đoạn dây hồi
ức mà ý thức chưa kịp nhận ra những thứ xung quanh khi đó để rồi bất ngờ
đưa đến cho cậu một ông anh ruột thịt máu mủ và không lâu sau lại cướp đi
những gì đang có trên tay cậu đương lúc niềm hạnh phúc đang lớn dần.
Đời quá bất công với Huy chăng? Huy đã làm gì nên tội mà bị đời đối xử
như thế? Rốt cục cậu đã làm gì sai? Hay số mệnh cậu đã đinh sẵn như vậy?
Hoặc đây phải chăng là một kết quả tồi tệ không thể nào thay đổi của lần
gieo xúc xắc mang tên số phận cuộc đời Huy?
Trường hợp Huy mặc dù không phải là duy nhất trên thế giới nhưng đó
là trường hợp số ít người mắc phải. Và số ít người ấy sẽ đóng vai trò như
những ví dụ minh họa sống động nhất cho các số phận nghiệt ngã. Ngoài
ra, họ còn là thước đo chính xác nhất cho những giá trị mà bản chất ở đó
hai từ đau đớn luôn tồn tại.
Thấy Huy lại nhớ về chuyện cũ, hắn an ủi:
- Thôi đừng buồn nữa, mày quên mày còn có tao và thằng Khánh à.
- Ừ, đời tao vẫn còn may mắn chán khi gặp hai thằng mày, cảm ơn hai
thằng mày nha.
- Xùy, sao giống như đàn bà con gái vậy. Con trai phải mạnh mẽ lên chứ,
giống như tao đây này. - Nói rồi Khánh vỗ ngực và uốn éo biểu diễn màn
thể hình khoe “chuột nhắt”.
Thấy thế, hắn phì cười:
- Thôi thôi dao kiếm đầy mình thấy ghê. Mà sao mày không mập lên
chút nào vậy Khánh? Tao thấy mày cũng ăn ngang ngửa “Lê Như Hổ” chứ
ít ỏi gì.