cũng có khả năng lãnh đạo và thường tình nguyện tham gia nhiều tổ
chức giáo dục và từ thiện ở địa phương.
A thường được cha mẹ xem như ngang hàng và là bạn tâm giao,
chứ không phải người thế vai. Người khác đánh giá họ là những nhà
lãnh đạo, cố vấn sáng suốt và thường xuyên hỏi ý kiến họ về các
vấn đề gia đình quan trọng như tài sản, kế hoạch nghỉ hưu, việc
bán một công ty gia đình và việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ
chuyên môn. Là người am hiểu luật thuế di sản, A thường khuyến
khích cha mẹ cho con cái quà cáp, tiền bạc để giảm bớt quy mô tài
sản của mình, thông qua đó tối thiểu hóa thuế di sản phải đóng.
Người nội trợ A nhận được những khoản trợ cấp đáng kể trong giai
đoạn đầu và giữa cuộc đời, thường là kể từ khi họ kết hôn. Về sau,
những khoản chu cấp đó đi kèm với việc mua một ngôi nhà và trong
một số trường hợp là việc mua một bất động sản đầu tư.
Sự hiện diện của người nội trợ A giúp ích rất nhiều cho cha mẹ
và các anh chị em đã trưởng thành trong gia đình, bởi họ thường
gánh vác trọng trách to lớn là chăm sóc nhu cầu tình cảm và sức
khỏe của cha mẹ.
Ngược lại, người nội trợ loại B lại được xem như “những đứa trẻ to
xác” cần được chu cấp về kinh tế, thậm chí cả về phương diện
tình cảm. Họ có xu hướng lệ thuộc vào người khác và ít có khả năng
lãnh dạo, dẫn dắt trong bất cứ lĩnh vực nào. B có xu hướng kết
hôn với người có thu nhập không cao. Trình độ học vấn của họ
thường không bằng A. Cha mẹ của người nội trợ loại B thường hỗ trợ
thu nhập cho gia đình của con gái để giúp gia đình đó duy trì mức
sống trung lưu tối thiểu. Người nội trợ loại B có xu hướng sống
gần cha mẹ và thường cùng mẹ đi mua sắm. Không có gì lạ khi một
bà nội trợ loại B ở độ tuổi trung niên lại xin tiền cha mẹ để mua
quần áo. Cha mẹ của người nội trợ loại B cũng chăm lo cho họ thông
qua việc thiết lập những khoản dự phòng dành cho họ trong di chúc.