phóng lì xì cho đàn cháu. Nhưng khi chúng chất lên xe, không quên mang
theo mấy trái mít ướt về Sài Gòn, chị lại rơi vào nỗi cô đơn, trống trải lạ
thường. Trong ngôi nhà ngói thênh thang, chị lại thui thủi một mình bên
bàn thờ tổ tiên. Xe của các cháu đi khuất rồi, đâu có ai quay lại để nhìn
thấy gương mặt đẫm nước mắt của chị...
6. “Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra”. Quá
nửa đời người, chị không lạ gì chuyện “tình bậu muốn thôi”. Nhưng khi
chính mình phải chịu cảnh ấy, chị mới thấy thấm thía nỗi chát đắng của tình
đời đen bạc. Cho đến giờ, chị vẫn còn ngỡ ngàng vì người ấy đã thay đổi
quá nhanh. Hồi các em chị ở bộ đội miền, chị tìm cách lên thăm, mang theo
hàng tiếp tế, nào tôm khô, cá sặc rằn, radio, cả máy ảnh... Vẻ đẹp mặn mòi,
chất phác của cô gái Củ Chi là sự ngưỡng mộ, khao khát của ông. Ông ngỏ
lời yêu chị, lúng túng bày tỏ cả lòng biết ơn đối với chị. Mối tình của họ
được các em tác thành, vun vén. Hồi ở rừng, cứ vài tháng, ông thấp thỏm,
ngóng đợi chị vô thăm. Sự xuất hiện của người phụ nữ quá tuổi xuân thì ấy
đã mang lại cho đơn vị hơi thở, bóng dáng của cuộc sống đồng bằng sung
túc. Chị khệ nệ mang cả mùa xuân ở đồng bằng lên rừng. Khi tất cả anh em
thoát ly vào vùng giải phóng, chị ở lại quê nhà cày cấy, phụng dưỡng cha
mẹ. Nhiều chàng trai ở quê đã ao ước cưới được cô gái xinh đẹp, đảm đang
ấy làm vợ. Vậy mà ngày đó, trái tim chị chỉ hướng vô rừng, cùng với người
ấy. Khi được mọi người vun vào, chị bày tỏ nỗi lo: “Mấy em bay nhảy, chỉ
còn chị lo cho cha mẹ. Lấy chồng rồi, cha mẹ ở với ai?”. Lúc đó, mọi người
cười ha hả vì nỗi lo không đâu của chị. Anh trai người ấy trấn an: “Chuyện
đó thiệt nhỏ, miễn là em chịu lấy nó. Hòa bình, về ở đâu mà chẳng được...”.
Rồi hòa bình. Những người ở rừng năm xưa được trở về thành phố.
Họ bận rộn với vai trò mới, chỗ đứng mới.Ở nhà chồng, lòng chị không yên
mỗi khi nhớ đến hình ảnh cô đơn, thui thủi của cha trong ngôi nhà ngói âm
dương. Chị chợt nhớ đến cái siêu thuốc mốc meo, bởi từ ngày chị đi, không
ai sắc cho cha uống... Nhân ngày Chúa Nhật người ấy về thăm nhà, chị thỏ
thẻ: “Anh à, ở đây đã có các cô lo chu đáo chuyện nhà, hay là mình về quê