Thời sinh viên, nhất là sinh viên nghèo như chúng tôi, nếu không đi
dạy kèm, làm bồi bàn, rửa chén,... thì sẽ không có tiền để ăn, đóng học phí
và thuê phòng. Những ngày lễ, tết hay nghỉ hè, tôi phải ở lại thành phố
tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền cho kỳ học tiếp theo. Không có điện thoại,
thầy và tôi chỉ liên lạc với nhau qua những lá thư. Thầy thường động viên
tinh thần, giúp tôi vượt qua những khó khăn, giành số điểm cao nhất trong
các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp vừa qua. Vậy mà, đã mấy tuần trôi
qua rồi tôi không nhận được một dòng thư hồi âm của thầy. Tôi bất an, lo
lắng.
Chiếc tàu vẫn chạy và những hồi ức tốt đẹp về thầy vẫn mồn một hiện
về. Sự thắng gấp của đoàn tàu làm tôi giật mình trở lại với thực tại. Trong
lúc chờ đợi đoàn tàu chuyển bánh, mọi người xúm nhau vào chiếc ti vi ở
nhà ga để nghe tin dự báo thời tiết, chắc người ta cũng như tôi đang lo lắng
cho người thân của mình. Nhìn gương mặt thất thần của mọi người mà lòng
tôi co thắt lại. Nếu có một bà tiên xuất hiện và ban cho tôi một điều ước.
Tôi sẽ ước, mỗi khi lũ về sẽ mang đến cho dân quê tôi thật nhiều sức khỏe,
ấm no, hạnh phúc và phồn thịnh. Xình xịch, xình xịch... Mọi người quay
trở lại vị trí của mình, con tàu lại vun vút lao trong màn đêm...
Về đến nhà, làng xóm trở nên tiêu điều, nhà cửa sụp đổ, không điện
nước... Tôi hỏi qua loa vài điều, thấy tất cả đều bình yên. Tôi xin phép mẹ
đi tìm thầy. Mẹ tôi đồng ý bảo: “Hãy đi nhanh lên, gặp thầy và kể cho thầy
nghe thật nhiều về thành quả học tập của con nhé!”. Tôi tạm biệt mẹ yêu và
lên đường.
Tôi khựng lại trước ngôi trường cũ, nước lũ rút để lại trên sân trường
một lớp phù sa lầy lội. Những cây bàng, cây phượng bị gió đánh cho gãy
cành, xơ xác. Tôi vội đến nhà thầy, một niềm vui nhen lên trong lòng khi
thấy ngôi nhà vẫn còn nguyên, mọi thứ vẫn như xưa nhưng rồi chợt tắt vì
gọi mãi không thấy thầy đáp lại.
- Này, cô kia tìm ai?