trợ!”. Thứ hai: Cái áo - một cái áo thun vàng rực, bự cỡ ba người như lão
tròng vô tuốt luốt, có in hình hẹo gì tùm lum. Lão trải ra coi thử, trước ngực
là hình một thằng cao bồi râu quai nón cưỡi ngựa đeo súng lục, phía sau
lưng hình một cái đầu lâu hai xương chéo, ớn lạnh! Lão đứng dậy ướm thử,
gần tới mắt cá, chắc khỏi mặc quần! Chà, lão mà mặc cái áo này vô chắc
thiên hạ bật ngửa, chạy la làng hết... Cái thứ ba, lão xổ ra: Hô hô... Một cái
xịnh đầm bự chảng, bông hoa đỏ choét!! Tới nước này thì lão hết đổ quạu,
hết chửi rủa chi nữa rồi, mà cứ ngồi cười khùng khục...
Nhìn tới nhìn lui mấy cái áo quần khổng lồ, lão bỗng nảy ra cái ý
tưởng ngồ ngộ, hay đáo để. Lão gục gật một mình: “Cũng được việc đây,
cứ để đó!”.
Mấy sào ruộng của lão thuộc đùng đất gò giáp bìa làng, không bị nước
chụp. Mùa nầy lão đang trồng hai sào nếp. Mới trổ đòng đòng nhưng hôm
rày thấy lũ chim chóc đã lượn lờ rập rình. Hôm sau lão lui cui cả ngày, chặt
tre làm sườn, quấn rơm thành hai thân hình bù nhìn to đùng đùng. Lão cho
mặc quần áo khổng lồ vô, thành một thằng cao bồi với một con đầm áo
bông đỏ rực! Lão kiếm đâu được cái mũ lưỡi trai cũ với cái nón đệm, đội
lên. “Bù nhìn ngoại quốc! Hà hà! Ghê chưa!”. Lão đắc ý lại cười khùng
khục một mình rồi vác cả hai ra ruộng, hì hục cắm hai đứa cao lớn nghều
nghệu đứng trấn hai đầu bờ.
Cái tin nóng hổi “Tây Mỹ ra đứng đuổi chim ngoài ruộng ông Ba
Rạch Đùng - một thằng một con!”. Lập tức được đồn rùm khắp làng chiều
hôm đó. Già trẻ trai gái chạy ra rần rần như đi coi hát, ai nấy đứng cười
muốn lộn ruột. “Cha cha, cái màu đỏ màu vàng này là chim nó sợ vãi cứt
luôn nghe!”... “Oa, có thằng cao bồi cỡi ngựa mang súng nữa các cha ơi!”...
“Ô, Sọ người! Xương... Ha, cú nầy tới đại bàng diều hâu cũng chạy cong
đuôi, nói chi mấy con bồ chao se sẻ nhóc nhen... Đúng là Ba Rạch Đùng
thiệt!”.
*