mình vui lắm đâu, đặc biệt ông khách quen đấy có thói quen ăn xong bữa là
ngồi uống đến hai cốc trà đá miễn phí, bởi ai lại lấy tiền của khách quen, lại
là tình thâm bao giờ.
Thậm chí có hôm ăn món nào đó ngon, cậu ta còn tự nhiên vào gắp
thêm, tuy không nhiều nhưng bà vợ tôi thì tức lắm. Đàn bà mà. Đôi khi thị
chỉ cần gã bảo: “Chị cho tôi thêm một chút nhé!”, được lời cũng cởi tấm
lòng. Nhưng Hân vốn kiệm lời, vả lại người miền Nam họ không lấy lời nói
chót lưỡi làm trọng đâu. Sự tự nhiên của Hân làm vợ tôi bực, đến tôi cũng
bực. Nhưng tôi khác hơn vì tôi cần người phân tích thời sự, chính trị, văn
chương, nên tôi không tức bằng mụ vợ.
Sự kẹt xỉ của Hân còn bộc lộ rõ qua việc ăn mặc. Đến nhà tôi mười lần
thì đến mười một lần cậu ta mặc nguyên quả áo trắng đã ngả màu cháo
lòng. Nhưng được cái là lượt cẩn thận, nên vẫn phẳng phiu, và có vẻ lịch
sự. Lần thứ mười hai, có thêm cái áo kẻ ca rô màu mận chín.
Khi vào hàng, bao giờ cậu ta cũng cẩn thận cởi ra khoác ngay ngắn ở
thành ghế trong nhà. Để đỡ bẩn, nhưng tôi nghĩ, cũng là cớ khi ăn xong,
cậu ta vào đó làm cốc trà đá không mất tiền, có hôm thấy xoài vợ tôi bổ
chưa kịp ăn, tiện tay, cậu ta cũng xin luôn một miếng.
Nói thật với anh, một trong những thú vui quái gở của con người, là để
biết xem, cái người trước mặt mình họ sẽ đau thương thế nào. Nếu họ kẹt xỉ
thì khi mất tiền họ sẽ ra sao. Tôi cá, ai cũng muốn biết và thích thú được
biết điều đó. Tôi nhớ hồi nhỏ, gần nhà tôi có lão già nổi tiếng ác độc và
lạnh lùng, không may cho lão, đứa con gái duy nhất của lão đột tử, cả xóm
kéo đến, chia buồn thì ít mà xem thái độ của lão thì nhiều. Tôi cá, con
người vẫn là giống ác độc hơn bất cứ loài vật nào, bởi loài vật khác ăn thịt
đồng loại đã đành, ta còn xem đồng loại ăn thịt đồng loại để mà vui đấy. Và
tôi cũng muốn xem lắm, cái gã giám đốc kia sẽ đau khổ ra sao nếu mất đi
những thứ gã quý hơn vàng kia. Càng muốn biết hơn, khi vô tình tôi biết
được, công ty của gã làm ăn phát đạt thôi rồi, tin này đến làm tôi bổ chẩng