lăn lóc giữa đường. Tôi để gã chạy một lúc mới lặng lẽ ra lượm về, rồi lặng
lẽ rời vị trí cũ đến ngồi ở vị trí mới, cách đó chừng một trăm mét, nhưng
cũng trên trục đường này. Tôi cố chọn điểm nào mà khi gã quay lại, không
cần nhìn lâu cũng nhận ra tôi, và tôi cũng nhận ra gã.
Tôi cất tiền kĩ vào cốp xe, kiểm tra khóa cốp lần nữa, rất yên chí, rồi
ung dung ngồi đợi.
Lúc này, đầu óc tôi thanh thản lạ, không còn nổ tung như lúc trước,
bởi tôi nghĩ cuối cùng nó cũng thuộc về mình một cách chính đáng nhất.
Có ai gọi thằng nhặt được tiền là ăn cắp đâu, dù thằng nhặt đấy có không
thật thà, nhưng ai bắt nó phải thật thà; hơn nữa thằng bị rơi lại là thằng cha
ỉa ra cứt sắt, nó giàu đến nỗi, mười đời nữa, bạn mơ chưa bằng nó, cộng với
sự keo kiệt của nó, thì đáng đời lắm. Tôi ung dung gọi thêm hai cốc cà phê,
một bao ba số, cộng với cái bánh mì ốp la, cũng nên tự thưởng cho mình.
Một lúc sau, thấy gã lật đật chạy lại: “Tôi để rơi tiền rồi anh ạ.”, mặt gã hốt
hoảng lắm, “Sao sao?”, tôi cố tình làm bộ mặt thật nghiêm nghị và thảng
thốt. “Tôi đi vội để rơi tiền ở đâu không biết”.
“Chết, sao ông bất cẩn thế!”, “Thế mới đen, mà việc này nghiêm trọng
lắm ông ạ!”.
Nghiêm trọng gì, lại chuyện đối tác, tôi cố tình làm ra vẻ ngơ ngác,
tiếc rẻ, dáo dác nhìn quanh tìm kiếm cho gã đỡ nghi, rồi gã buồn bã: “Lên
đường về thôi, tôi cần tranh thủ từng phút”.
Cái gì mà cần tranh thủ từng phút chứ. Tôi lên xe của tôi, gã lên xe
của gã, cả đoạn đường không ai nói với ai câu nào, đến chỗ rẽ vào nhà, gã
cũng không chào tôi một tiếng. Chao ôi, lúc đó tôi thương gã hay ghét và
sung sướng, không biết nữa. Trong tôi cũng gợn lên sự ân hận dữ dội lắm,
không đánh được người mặt đỏ như vang, đánh người rồi mặt vàng như
nghệ, y như tôi lúc này, dù tôi tự an ủi rằng, tôi không phải thằng ăn cắp mà
chỉ là người nhặt được thôi, có gì mà phải day dứt cơ chứ!