thành phố khiến Thịnh nghĩ và nhớ Nguyên nhiều như chỗ đó. Thịnh ngồi
trong chòi lá cuối vườn, trên một con ghế, kéo thêm một con ghế để kế nhìn
mưa nhỏ từ mấy giọt lá tranh lúc to lúc nhỏ, nghĩ ngày nào Nguyên ngồi
đây, vai hai đứa chạm nhau, đôi khi muốn quàng tay ôm Nguyên thấy
Nguyên im lặng lại thôi. Thịnh không quen bày tỏ tình cảm, Nguyên cũng
vậy, ngồi với nhau im lặng nhiều hơn nói, từ hồi nào cả hai học chung đến
mấy năm ra đi dạy, đều thế. Ngồi vậy mà nghe trong lòng dễ chịu, bữa nào
lạnh Thịnh đưa tay cầm tay Nguyên thấy tay Nguyên ấm dần lên... Khi
Nguyên bỏ chuyến bay đi California trốn tàu hoả về đây, Nguyên hẹn
Thịnh tới, Thịnh tới ngồi cầm tay Nguyên hỏi buồn không, Nguyên nói
buồn chi, ở lại với anh, chi buồn. Thịnh thấy Nguyên tội muốn có một cử
chỉ tỏ ý biết ơn Nguyên nhưng rồi cũng chỉ ngồi cầm tay thế yên lặng.
Nguyên bỏ gia đình vì Thịnh, nhưng lại bỏ Thịnh, bỏ luôn Huế vì lẽ khác...
Những ngày mưa ở Huế rất dài, sáng mở mắt ra đã thấy mờ mịt bên
ngoài. Đi ra khỏi nhà, trưa về ngủ vùi một giấc tỉnh dậy, chiều đi ra, tối đi
ra, lúc nào cũng thấy mờ mịt như thế. Mưa giăng giăng mịt mùng suốt từ
tháng bảy qua tháng hai năm sau, mưa lụt rồi mưa phùn, mưa sập trời đất,
nước kéo qua các phố, ẩm ướt, sụt sùi. Mưa như Khánh Ly hát làm người ta
tuyệt vọng, chỉ muốn từ nay gục xuống. Thịnh ngồi nhìn mưa, thỉnh thoảng
bỏ xe đi bộ ra quãng đường Lê Lợi ngược lên phía ga. Quãng đường đó
nhiều cây me trồng hai bên. Ngày mưa phùn, trong tầng mưa lá me rụng là
đà xiên lẫn như sợi nước, ẩm ướt, nhẹ tênh dính đầy trên tóc vai khách qua.
Thịnh đi vì cái xúc cảm của Nguyên nhiều năm trước, Nguyên rùng mình
khi qua cổng nhà số 5, chỗ đó Nguyên nói, ông nội Nguyên đã chết. Thịnh
hình dung người đàn ông mặt gầy mang kính trắng ngồi sau cái bàn trong
văn phòng thủ hiến, như thường ra mở cửa tiếp khách, vừa đưa tay bắt thì
bị bắn vô ngực. Thịnh hình dung thế, Thịnh thấy ông ngã xuống ghế, chết
ngồi, máu sũng vạt áo, kính trễ xuống mũi nhưng không rớt. Thịnh nói
quên chuyện đó đi, chuyện từ thời nào mồ ma người khác, bây giờ hết
chiến tranh, chúng ta đã ở vào thời đại khác, chuyện đó đến ba Nguyên
cũng không chứng kiến huống chi Nguyên. Nguyên gạt mấy lá me, ừ, đâu