có nghĩ, nhưng có cái gì vô lý thỉnh thoảng làm mình nhớ tới hình ảnh thực
ra mình không biết. Nhiều năm sau, đi một mình qua quãng đó, Thịnh
không cưỡng được ham muốn bước vào ngôi nhà kia, tìm đến căn phòng có
cửa sổ trông ra sân, ngồi vào cái ghế ông nội Nguyên đã ngồi, thử bước ra
mở cửa, thử cảm giác viên đạn phóng tới ngực... Thịnh chỉ ham muốn
nhưng không lần nào lọt được vào cổng số 5, đó đã thành một nhà bảo tàng
nhưng mấy năm liền người ta chăng bạt sửa chữa, không đón khách. Rồi
Thịnh cứ đi qua đi qua, không gì hơn ngoài thả một tiếng thở dài.
Thịnh nhớ người đàn ông gầy ốm buồn rầu trong khung kính nhà
Nguyên. Ông là nhân viên văn phòng. Nhân viên văn phòng thì có giữ bí
mật gì ghê gớm không, có nợ máu không,... Thịnh không biết, song cái chết
của ông để lại mối hận thù nơi người con trai, tức ba Nguyên, thì Thịnh
biết. Nhiều năm trước, giỗ nào của ông nội Nguyên cũng gọi Thịnh sang.
Lần đó Thịnh sang, gặp lúc ba Nguyên từ trại cải tạo về tới, lầm lì, mắt
ngun ngút một nỗi tàn khốc. Ông làm hồ sơ đi H.O. đợt đầu tiên. Ngày sắp
đi, ông gặp Thịnh bảo, anh tha con bé đi, về gia cảnh, không hợp, anh
không lo nổi cho nó miếng ăn, vậy đừng nghĩ tới nó. Thịnh đạp xe về Phú
Cam nằm, nghĩ mình cũng hận thù người đàn ông đó đi, nhưng không
được, Thịnh chỉ thấy lòng trống rỗng. Sự giàu sang quý tộc của nhà
Nguyên ngày nào Thịnh chưa từng thấy, những đồ gia bảo đã lần lượt ra đi,
khi quen nhau Thịnh đã chứng kiến việc mạ Nguyên ngồi chợ Đông Ba,
Nguyên đi bỏ mối thuốc lá. Tấm áo dài cũng nhịn không dám may. Vài lần
lui tới, Thịnh thành người đàn ông duy nhất trong ngôi nhà toàn đàn bà con
gái, tự nhiên xắn áo bổ củi, xách nước hay dọi lại mái nhà dột. Khi ấy, ông
trung tá không lực ở đâu...
Thịnh không thôi Nguyên như cách ông trung tá muốn, nhưng cuối
cùng Thịnh cũng không có được Nguyên.
*
* *