thần bị kích động... Năm sau, rồi năm sau nữa, cứ mỗi dịp 27 tháng 7 nắng
nóng, lại thấy thưa dần, ít dần người quay trở lại bệnh viện điều trị. Ốm
đau, bệnh tật đã đưa họ về dần với tổ tiên, với cát bụi. Chiến tranh đã lùi xa
quá rồi, mà có vẻ như chẳng còn ai muốn nhắc đến hai từ chiến tranh nữa.
Chiến tranh chắc cũng không khổ bằng thời tiết khắc nghiệt này. Chiến
tranh cũng chả liên quan gì đến những ngày nắng nóng như thiêu đốt ở
vùng ngoại ô thành phố này.
*
* *
Tôi là cô giáo dạy văn ở trường trung học. Lúc rảnh rỗi, tôi giúp mẹ
chồng bán mấy thứ lặt vặt ở cổng quân y viện. Khách hàng đa phần là
những bệnh nhân mua bán mấy thứ đồ nhỏ nhặt. Người cau có, kẻ cò kè,
nhiều khi bực mình hết nỗi, nhưng tôi đâu dám nặng nhẹ với ai như mấy
ông già thương binh kia!
Tôi mang một túi cam đường, quả nào cũng căng mọng nước ra mời
các ông ăn. Tôi đặt vào tay các ông những cái quạt giấy nhỏ. Một ông cao
lòng khòng, cằm bên trái mất một góc, thành ra mặt mũi không còn bình
thường nữa. Ông quay lại quắc mắt lên nhìn. Sợ quá, tôi nói thật rành rọt :
- Ngày trước bố cháu cũng là bộ đội.
Ông già cụt tay ngồi bên cạnh nói mát:
- Hư... ừ! Bố chị cấp tướng, cấp tá nên chị mới ăn trắng mặc trơn thế
này?
Tôi xót xa đến nghẹn lòng bởi cái sự giận hờn của người già bị thương
tật:
- Bố cháu cũng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị mà.