miếng nhỏ, gạt vào bát rồi mang đến bên giường cho mẹ. Mẹ tôi gượng
ngồi dậy, lưng tựa vào tường, bốc ăn hết chỗ lòng một cách ngon lành.
Bố tôi là ai? Câu hỏi ấy đang lởn vởn trong đầu cha Phăng, bà, và cả
tôi nữa. Cha Phăng đã đúng khi liên tưởng giữa cái tên Minh Việt với bố
tôi. Lúc ấy bố tôi đang đánh trận ở Điện Biên Phủ. Trong lúc bố tôi đang
gào lên những tiếng hô xung phong, ông không hề biết rằng, một sự tiếp
nối từ ông đã được bắt đầu ở nơi đây, quê nhà của ông - thị trấn Nét Mặt
Buồn.
Bốn mươi năm sau, trong đoàn giáo chức quốc tế đến dự lễ ở nhà thờ
An Lạc có một Đức giám mục tên là Phờrăngxoa đờ Bêhiêng. Trong bài
nói chuyện không cần phiên dịch, cha Bêhiêng có kể rằng, năm lên 8 tuổi
ông được theo Cha bề trên lên tàu thủy vượt đại dương đi truyền đạo. Sau
sáu mươi mốt ngày lênh đênh trên biển, ông nhìn thấy một dải đất màu
xanh nằm ở cuối đường chân trời. Ông hỏi Cha bề trên: Dải đất kia là xứ
nào? Cha bề trên bảo: Đó là xứ An Nam, nơi chúng ta sẽ đến khai hóa và
truyền đạo. Hai ngày sau cha Bêhiêng đặt chân lên dải đất mà ông đã nhìn
thấy từ ngoài khơi. Ông đã ở lại đó hai mươi nhăm năm, nơi ông ở và hành
đạo chính là thị trấn An Lạc này, thị trấn mà ông vẫn gọi bằng cái tên Nét
Mặt Buồn. Còn giáo dân ở đây thì gọi ông một cách giản dị là: Cha Phăng!
Nhưng hãy khoan gặp cha Phăng sau bốn mươi năm cách biệt vì với
tôi lúc này, sau khi chui ra khỏi cửa mình của mẹ, việc đầu tiên là phải tìm
hiểu xem ai là bố tôi?