thân ông cũng còn kém vợ gần hai trăm điểm. Hơn tháng nay vừa được bầu
vào tổ trưởng lao động. Lại cứ ăn mặc rách rưới thế kia thì còn ra làm sao?
Ông Vạn cứ ngồi thần ra nhìn vợ, quên bẵng cả việc đan rọ lợn. Hôm
nay ông mới để ý những miếng vá trên quần áo bà Vạn. Miếng nọ chèn lên
miếng kia, nhưng cái mụn nào cũng phẳng phiu ngay ngắn. Mũi kim nhỏ lí
nhí thẳng tắp. Tưởng như những đường cấy của bà Vạn ở ngoài đồng.
Cái Lý nhìn thấy bố ngồi cứ mân mê chiếc rọ lợn, chẳng đan xong. Nó
chạy lại giục:
- Bố! Bố đan đi!
Ông Vạn chợt nhớ ra, nhìn xuống: "Thế là lỗi rồi". Ông kỳ cục dỡ ra đan
lại. Cái Lý chạy đi chơi với em. Ông Vạn lại ngồi thẫn thờ, nhìn vợ. Một
lúc nó lại chạy đến. Nó đang sốt ruột chờ lấy một cái rọ lợn, mang đút đá
vào để khiêng với thằng Trí. Nhưng lần này nó không giục ngay cứ ngồi
chầu hẫu nhìn lên mặt bố, rồi lại nhìn sang chỗ mẹ. Thấy hay hay nó cũng
nhe răng cười:
- Bố! Bố đan đi. Bố cứ nhìn mẹ mãi.
Ông Vạn giật mình, lườm con một cái:
- Con này chỉ nói càn.
- Thật ị! Bố nhìn mẹ thật ị! Có cái rọ đan mãi chẳng xong.
Ông Vạn nhay nháy mắt nhìn con, như có ý bảo: "Đừng nói nữa mẹ mày
nghe thấy". Bà Vạn ngẩng đầu lên, mặt mũi cũng đỏ bừng.
- Bố con nhà mày y như bố con phường chèo ấy. Bố mày thèm vào nhìn
mẹ, cái con mẹ khai dinh dích này ấy.
Cái Lý càng cãi khỏe:
- Bố nhìn thật ị. Khéo bố nhìn để đan rọ đút mẹ vào đấy!
Ông Vạn nhe răng cười, nói gióng giả:
- Bố đem rọ bán lợn để may quần áo cho mẹ mày đấy!
Bà Vạn nghe tiếng, chống cuốc xuống đất, quay ngoắt cổ lại giãy nảy lên
như đỉa phải vôi:
- Này, đừng có may với vá mà chẳng xong với tôi đâu!
- Chả xong cũng may.
Ông lắc lắc cái đầu cười khà khà: bà này cứ phải đi may cho rồi mới
xong. Cũng như cái giường năm ngoái, sắm đoạn bảo nằm nhất định không