Tôi đưa vợ lên Hà Nội xem nhà mới. Cái sân nhỏ có cầu thang ngoài đi
riêng lên tầng hai; tầng một cho Văn phòng địa ốc thuê, thừa tiền cả nhà
sống sung túc.
Nàng mừng run người. Cái thân cạo giấy quèn của thằng Bần tôi bỗng
chốc vụt sáng lung linh và đáng trọng nể trong mắt nàng.
Thằng cha Giám đốc Văn phòng địa ốc sực mùi đàn ông, mắt chớp chảo
như xe đạp sang vành, đứng dưới sân nói chõ lên: “Gớm bà chị nái nẩm
nhỉ?” Tôi bảo: “Nạ dòng. Sề rồi.”
Gã đàn ông cười giả lả: “Vài tháng nữa chả “trơn lông đỏ da” ngay cho
mà xem. Khối anh giai chết mê mệt đấy”. Vợ tôi dụi đầu vào vai áo chồng,
cười tít mắt: “Cái anh gì vui tính, thích nhỉ”.
Cũng phải chuẩn bị một số đồ dùng trước khi đưa con rời làng ra phố.
Tôi chở vợ đến siêu thị Big C mua đủ bộ nhà bếp từ xoong chảo, đĩa bát sứ
đến con dao, cái thìa, lọ đựng hạt tiêu...
Nàng bảo: Bao nhiêu năm ở quê dùng toàn đồ đạc cũ, cái thì sứt xíu, cái
thì cóc cáy; nay phải dùng đồ mới cho sang trọng và xứng tầm nhà mới.
Chẳng hiểu sao vợ tôi nhanh thích nghi thế.
Buổi chiều, vợ tôi giục đi mua tủ sách. Nàng muốn các con bất ngờ và
khách đến chơi nhìn chỗ nào cũng thấy sách. Nàng lý luận, một căn nhà
hạnh phúc và học thức phải là nhà có sách.
Tôi rất ngạc nhiên, nàng nói giống như cha tôi. Lời lẽ cao siêu từ ông đồ
nho còn sót lại ở thế kỷ 20, từ một trí thức, hoặc ít ra là người yêu môn xã
hội nhân văn nào đó, chứ không phải từ miệng người đàn bà chân lấm tay
bùn.
Ở nhà quê, làm lụng tối ngày có bao giờ nàng đọc sách báo đâu; nghe hát
thì toàn những bài sến ỉ eo đến não lòng. Chiều lòng vợ, tôi lên một danh
mục sách, bảo xích lô chở nàng ra phố Nguyễn Xí cứ thế mà chọn.
Nhưng nàng chọn sách theo ý mình, cứ quyển sách nào dầy cộp, đóng
bìa cứng là nhặt. Ba xe xích lô chất ngất toàn sách là sách, lăn lóc như chở
mứt Tết thu hồi vì quá đát; hết gần hai mươi triệu, đồng tiền nóng rát lên.
Về nhà, nàng hì hụi xếp sách vào ba cái tủ kính khung gỗ mới bóng sáng
choang. Chả ra đề ra mục, lộn xộn, cứ cao bằng nhau là cho vào cùng ngăn;