Hoàng Minh Tường
T
ừ sân bay Cam Ranh về thành phố Nha Trang, cảnh đẹp như thần
tiên. Thành phố du lịch có khác. Ðó là nhận xét của ông Thạch khi tắc-xi
chạy trên đoạn đường hai chiều giữa những thảm cỏ và vườn hoa được xén
tỉa, chăm chút công phu dài ngút ngát dọc dải cát bờ biển, rồi đột ngột như
muốn lao ra mép sóng.
Con đường nhựa phẳng lỳ uốn lượn quanh những mép đá, một bên đá
dốc đứng, một bên biển xanh đến nao lòng.
Suốt những ngày sau, khi đã bị vây bủa trong khu phố mới gần bờ biển,
giữa không khí gia đình cô con gái út hơi có vẻ ồn ào, nhộn nhạo từ khi có
sự hiện diện của ông, đôi khi ông vẫn nghĩ đến chặng đường bờ biển từ sân
bay về thành phố với một nỗi ao ước đến ám ảnh.
Ước gì ta có một căn nhà nhỏ dưới tán phi lao giữa những đồi cát trắng
tinh nhìn ra vịnh biển kia. Ước gì ta cũng được như những người đang trồng
hoa, trồng cỏ dọc con đường ven biển này. Một công việc không mấy nhàn
hạ nhưng đầu óc thảnh thơi, được hít thở trời biển trong lành. Ông Thạch ao
ước thế. Một mơ ước nhỏ nhoi, bình dị.
Hóa ra bao năm nay, suốt những năm tháng dài sống trong cái làng Hạ
ngoại thành ven sông Tô Lịch thân thuộc của mình, ông Thạch vẫn luôn bị
kìm nén những ẩn ức. Sự bức bối chật chội đầu tiên là những mảnh vườn
quanh nhà ông cứ dần bị thu hẹp lại, rồi san sát mọc lên những ngôi nhà
bốn, năm tầng cao ngất ngưởng. Dãy ao đình bị lấp đi, để mọc lên cái chợ
tạm và những dãy quán thịt chó, bia hơi, cháo lòng, tiết canh, suốt ngày ầm
ĩ tiếng cãi lộn, suốt ngày bốc lên cái mùi cống rãnh phố xá khó tả.
Rồi những cánh đồng rộng mênh mông quanh làng bị san lấp. Khu đô thị
mới với những tòa nhà cao hai, ba chục tầng mọc lên. Cái làng ngoại thành
của ông bị những tòa nhà bê-tông quây kín bốn mặt, trở thành một phường
nội thành. Dân háo hức nhận tiền đền bù, cấp tập chia lô xây nhà, xây
phòng trọ cho thuê, sắm xe máy, xe ô-tô, thừa tiền thì ăn chơi nhảy múa. Ba
thằng con trai ông, hai thằng đi bộ đội về, thằng cả dựng quán rửa xe, thằng
hai thuê nhà mặt phố mở phòng karaoke. Chúng nó kiếm tiền gấp trăm lần