và địch thân chơi tất cả các tác phẩm của mình thì bà Des Laumes cũng
chẳng thể chú ý. Bà thuộc về hai nửa của nhân loại mà ở họ, sự tò mò
thường thấy ở nửa kia đối với những người không quen, được thay thế bằng
sự quan tâm đến những người họ quen biết. Giống như nhiều phụ nữ ở ngoại
ô Saint-Germain, sự hiện diện của một người cung cạ với mình ở một nơi bà
cũng đang có mặt, dù bà chẳng có gì đặc biệt để nói với người ấy, độc chiếm
sự chú ý của bà, át đi tất cả những thứ khác. Từ lúc đó, với hy vọng là
Swann sẽ nhận thấy mình, bà chỉ loay hoay, như một con chuột nhắt trắng đã
thuần hóa mà người ta nhử bằng một miếng đường, lúc chìa ra lúc rút về,
quay tứ phía gương mặt của mình đầy tràn hàng nghìn ám hiệu hoàn toàn
chẳng liên quan gì với những tình cảm trong bản Polonaise của Chopin,
hướng về phía có Swann và nếu ông này đổi chỗ, bà cũng song song di
chuyển nụ cười bị nam châm hóa của mình theo.
“Oriane, cô đừng giận nhé,” bà De Gallardon nói tiếp, bà không bao
giờ có thể tự ngăn mình hy sinh những tham vọng lớn về mặt xã hội, hy
vọng một ngày kia sẽ làm thiên hạ lóa mắt, cho niềm vui thích mơ hồ, riêng
tư nhưng tức thời, là xổ ra một điều gì khó nghe, “có những người cho rằng
cái ông Swann ấy là một kẻ mà ta không nên mời đến nhà, có thật thế
không?”
“Nhưng… chị ắt phải biết đó là thật chứ,” nữ Công tước Des Laumes
đáp, “vì chị đã mời anh ta dăm chục lần rồi, mà anh ta có bao giờ đến đâu.”
Và rời bà chị họ đau điếng, bà lại phá lên cười, một nhịp cười làm công
phẫn những người đang nghe nhạc, nhưng thu hút sự chú ý của bà De Saint-
Euverte đang đứng cạnh piano theo phép lịch sự, và lúc này mới thấy bà
quận chúa. Niềm sung sướng của bà De Saint-Euverte khi thấy bà Des
Laumes càng lớn vì bà ngỡ bà này còn đang ở Guermantes chăm sóc ông bố
chồng ốm.
“Ủa, quận chúa, tội không biết là bà tới.”
“Vâng, tôi chúi vào một góc, tôi nghe được một số điều thú vị.”
“Sao kia, bà đã ở đây một lúc lâu rồi ư?”