Khóe miệng thầy Chương run run. Thầy vội vàng quay người về đằng
sau, tay sờ soạng bám lấy thành cửa sổ, phảng phất để khống chế bản thân.
Vài giây sau, thầy tựa hồ đã lấy lại bình tĩnh, bóng lưng thầy hoàn toàn bình
thường. Nhưng bàn tay bám cửa sổ của thầy nổi hết các khớp và gân xanh.
Một lúc lâu sau, thầy Chương vẫn đứng quay lưng về phía Liễu Địch,
thầy chậm rãi mở miệng: "Em có biết không? Trước đây, khi tôi kể câu
chuyện quá khứ với người khác, tôi cũng từng hỏi cảm nghĩ của bọn họ.
Câu trả lời của bọn họ không ngoài hai từ: "đồng tình" và "đáng thương".
Liễu Địch sững sờ. Vào thời khắc này, cô bất chợt hiểu thầy Chương sâu
sắc hơn hai năm qua. Cô đột nhiên hiểu ra nhiều vấn đề trước đây cô mù
mờ. Cô hiểu tại sao thầy Chương luôn một thân một mình, xa lánh mọi
người, cô hiểu thái độ lạnh lùng của thầy Chương là bất đắc dĩ, cô cũng
hiểu tại sao thầy Chương lại tin tưởng cô, chấp nhận sự giúp đỡ của cô.
Ai muốn sống cô độc một mình, muốn tách khỏi thế giới? Ai muốn
không được người khác biết đến, không được người khác chấp nhận? Thế
nhưng, bản thân sự "đồng tình" và "đáng thương" chính là một loại kỳ thị.
Hành động giúp đỡ xây dựng trên "đồng tình" và "đáng thương" chính là
phủ nhận và cười nhạo tôn nghiêm của thầy Chương. Vì vậy, thầy Chương
mới dùng thái độ lạnh lùng và cao ngạo để che giấu bản thân. Thầy thà cự
tuyệt sự quan tâm chân thành, cũng không muốn chấp nhận sự giúp đỡ xuất
phát từ thái độ kỳ thị của người khác. Thầy tự nguyện xa lánh cuộc đời.
Mặc dù sự xa lánh này không mang lại niềm vui và hạnh phúc cho thầy,
nhưng ít nhất, nó giúp thầy tránh xa phản ứng "đồng tình" và "đáng thương"
mang tính lăng nhục. Chỉ làm vậy, thầy mới có thể giữ lại tôn nghiêm của
mình.
Chuông báo vào học đột nhiên vang lên. Thầy Chương quay người, sắc
mặt thầy đã hồi phục sự lạnh nhạt. "Liễu Địch!" Thầy nói: "Vào học rồi,
chúng ta đi thôi!"