trong hồi ký không có câu nào nhắc tới “các đồng chí Trê-ca” quen
biết với nhà thơ, tưởng chừng họ không hề tồn tại trên đời vậy).
Nhưng mạnh hơn nỗi sợ hãi ấy có lẽ làm cảm giác có lỗi trước hương
hồn nhà thơ và sức nặng của sự thật mà một mình chị ta được biết,
cái sự thật đặt nghi vấn về phát súng bất ngờ trong căn phòng ở
đường Lubianka…
Dù gì thì tiếng nói dành cho sau này cũng đã được nói ra. Và
được đưa ngay vào ngăn riêng ở Nhà bảo tàng, chờ giờ phút của nó.
Thế còn cái lời khai “Anh ấy cứ bám riết lấy tôi”, “Tôi không
yêu anh ấy”, “Tôi không định bỏ chồng…” thì sao?
Chúng ta hãy trở lại cái ngày tháng 4 bất hạnh kia. Một phụ nữ
trẻ đã có chồng, sau tiếng súng nổ sợ hãi bỏ chạy khỏi căn phòng ở
đường Lubianka, bị công an hình sự Moskva bắt gặp ở nhà mẹ chị ta
(phố Malyi Levshinskii, nhà số 7, căn hộ 18), bị đưa trở về căn
phòng nơi xảy ra tai họa. Chị ta đang ngồi đờ đẫn trước mặt cán bộ
điều tra. Ở phòng bên cạnh là thi thể vừa lạnh đi của nhà thơ nổi
tiếng thế giới. Và người ta yêu cầu chị giải thích về sự việc đáng
sợ vừa rồi. Thì chị là người duy nhất ở bên nhà thơ trước lúc tiếng
súng nổ mà lại. Chị là nhân chứng chủ yếu. Ta dễ chấp nhận và
thông cảm, rằng V. Polonskaia, để cứu vãn danh dự của mình và của
chồng, chị thấy cách duy nhất là khẳng định rằng Maiakovski đã
tưởng lầm cảm tình đặc biệt của chị là một cái gì hơn thế, và sau khi
bị chị cương quyết từ chối, nhà thơ đã tuyệt vọng tự kết liễu đời
mình. Dễ chấp nhận giả thuyết đó còn bởi lẽ viên dự thẩm I.
Syrtsov (Nói chính xác hơn, Ia. Agranov và “các đồng chí” đứng sau
Syrtsov) muốn nhận được lời khai đúng như thế của V. Polonskaia.