Ở cuối hành lang hẹp đó là phòng làm việc của cô. Đây thực ra không
phải là phòng làm việc, chỉ là một khoảng trống không rộng lắm được ngăn
bởi những tủ sách lớn, ở giữa đặt một chiếc bàn giấy. Thứ xa hoa nhất trong
căn phòng đó là hai cửa sổ lớn, một nhìn ra sông Nheva, cái kia nhìn ra
kênh Mùa đông và Nhà hát Hermitage. Những người am hiểu sẽ thấy rằng,
khung cảnh bên ngoài cửa sổ, là một trong những cảnh đẹp nhất ở
Peterburg.
Starugin thỉnh thoảng vẫn đến đây và cảm thấy có hứng thú với cô gái
xinh đẹp này.
- Vậy, lần này anh cần gì nào? – Cô gái hỏi giọng giận dỗi. –
Sách giáo khoa về chăn nuôi giun thế kỉ mười hai, hay là hướng dẫn về
quản lý việc hỏi cung dành cho người mới quản lý giáo hội.
- Đừng giận anh mà, - Starugin thở khẽ và vuốt tay Tatiana. –
Vấn đề hết sức nghiêm trọng đấy… anh cần tài liệu về Francis Paduans,
bản có mã là “Omega”…
- Em chả bao giờ nghĩ rằng, trong những điều anh quan tâm lại
có bói toán cơ đấy…
- Đây không phải là bói toán- Starugin đính chính. – chính xác
hơn, không chỉ là bói toán. Đây là một cái gì đó khác lắm…
- Dù sao em cũng chẳng hiểu nổi, chuyện này thì có liên quan gì
đến bức tranh của Rembrandt chứ. Thôi, dù sao cũng là việc của anh. Đây,
em tìm thấy nó rồi này: đơn vị bảo lưu…, cái này chắc anh không quan
tâm…, tủ số mười bảy, ngăn thứ sáu…
Cô gái đứng lên rời bàn và, hơi tập tễnh tiến về phía một chiếc tủ lớn.
Cô kiễng chân lên và lấy xuống một chiếc hộp cac-tong và thận trọng đưa
nó cho Starugin:
- Chắc không phải nhắc anh, như anh đã biết, chỉ được phép tra
cứu tài liệu tại đây, và sử dụng nó với sự thận trọng tối đa.
- Tất nhiên rồi! – Starugin sốt ruột đáp và cẩn thận lấy những
tập giấy đã ố vàng theo thời gian ra mặt bàn. Những tập giấy viết đầy
những nét chữ tròn, nghiêng màu đen đã phai lạt. Mỗi mảnh giấy viết tay
được kẹp cẩn thận trong lớp mỏng trong suốt để bảo quản.