Chàng thủy thủ đã định lấy hòn đá to đập vào thành hòm, nhưng kỹ sư
ngăn lại, và yêu cầu mọi người buộc các thứ tìm được vào thuyền, kéo về
Lâu đài đá hoa cương để mở và kiểm kê…
Có thể vật tìm thấy này có mối liên quan nào đấy với viên đạn chì
chăng? Có thể là những người trên tàu đã lên đầu kia của đảo? Có thể họ
còn ở đó? Những người di dân khẳng định rằng những người bị nạn không
phải bọn cướp biển Mã Lai, bởi vì đã rõ ràng là các đồ vật bị biển cuốn đi
đều có xuất xứ từ Mỹ hoặc châu Âu.
Nửa giờ sau, họ về đến nơi, kéo thuyền và hòm lên bãi cát. Nab chạy đi
lấy dụng cụ. Họ cẩn thận mở nắp hòm và bắt đầu ghi lại những thứ có trong
đó. Pencroff hồi hộp ra mặt. Chiếc nắp kẽm bị chặt tung ở giữa, lật về phía
các thành hòm, và những người di dân bắt đầu lấy ra đủ mọi thứ đồ khác
nhau, xếp lên cát. Mỗi khi lấy ra một thứ đồ nào đó Pencroff lại reo tướng
lên “hoan hô”, còn Harbert vỗ tay đôm đốp, còn Nab thì múa một điệu của
người da đen.
Tất cả những người di dân thật là hạnh phúc, bởi vì trong hòm có đủ các
loại dụng cụ: dao, rìu, bào, đục, dũa, cưa, khoan, đinh ốc, đinh vít; nhiều
thứ vũ khí: súng săn, súng cácbin, kèm theo nhiều đạn; các loại khí cụ: máy
lục phân, ống nhòm, dụng cụ vẽ, địa bàn, nhiệt kế Farenhet, phong vũ biểu,
bộ máy ảnh kèm theo các dụng cụ, phụ tùng cần thiết, ống kính, phim, giấy
và hoá chất in phóng ảnh; nhiều quần áo vải và bít tất; đủ các loại dụng cụ
nấu ăn: nồi, xoong, đồ dùng bằng nhôm, bình trà, dao; và sách gồm nhiều
cuốn: Thánh kinh, tập bản đồ, từ điển thổ ngữ Polinezia, bách khoa toàn
thư khoa học tự nhiên gồm sáu tập, giấy viết và sổ sách.
Sau khi thống kê xong, nhà báo nói: