Từ lâu rồi Gédéon Spilett đã tính đi tính lại, nên chăng viết một lá thư
cho vào chai và thả xuống biển, hy vọng dòng hải lưu sẽ cuốn cái chai ấy
đến những bờ biển có người ở, hoặc dùng chim câu để nhắn tin. Nhưng liệu
có thể trông cậy được vào những con bồ câu hoặc cái chai không, bởi vì
hòn đảo ở cách xa đất liền những một ngàn hai trăm hải lý! Hy vọng như
vậy chỉ có hóa là điên.
Ngày 3 tháng sáu, chẳng khó khăn gì họ đã bắt được một con chim hải
âu. Harbert đã bắn nó bị thương nhẹ vào chân. Con chim thật là tuyệt, đôi
cánh rộng, sải cánh của nó đến mười fut; những con hải âu có thể bay thậm
chí qua Thái Bình Dương.
Harbert muốn giữ con chim đẹp lại lắm - vết thương của nó đã mau
chóng được chữa lành. Chú bé ước mơ thuần dưỡng nó. Nhưng Gédéon
Spilett đã thuyết phục chú không nên coi thường khả năng liên lạc với vùng
duyên hải của Thái Bình Dương và hãy thả “người báo tin hỏa tốc” ấy ra:
Thế là Harbert đành chịu: quả thực, nếu chim hải âu đã từ một miền dân cư
nào đó bay đến đây, thì cũng đáng thả nó ra, và ngay lập tức nó sẽ bay về
với những nơi thân thuộc.
Hẳn là, trong lòng Gédéon Spilett đôi khi đã thức dậy một “người làm
báo”, những muốn mang hết sức ra để viết một bài bút ký hấp dẫn về cuộc
phiêu lưu của những người di dân trên đảo Lincoln! Sự thành công vang
dội chờ đợi người phóng viên thường trú của tờ “New York herald” (Người
đưa tin Nữu Ước)! Bạn đọc chắc sẽ giành nhau số báo có đăng bài ấy, nếu
bài báo tới được tay ông tổng biên tập đáng kính John Benett!
Gédéon Spilett đã viết một mẩu ngắn và bỏ vào một cái túi nhỏ bằng vải
không thấm nước, để lên ngoài lời yêu cầu chuyển ngay hộ bức thư tìm
được này tới tòa soạn báo “New York herald”. Túi nhỏ được buộc vào cổ,
chứ không phải vào chân con hải âu, vì nó thường thích nghỉ trên mặt biển.