đảo Tabor. Thế nếu nhỡ họ đến trễ và không cứu được anh ta thì sao? Trong
cuộc sống của những người di dân đã xảy ra một sự kiện lớn. Chính họ bị
lâm nạn, nhưng họ lại sợ rằng cái con người bị nạn kia không được may
mắn như họ, và thấy mình có trách nhiệm phải mau mau đi cứu giúp con
người bất hạnh ấy.
“Bonadventur” vòng qua mũi Cái móng và bốn giờ chiều đã thả neo gần
sông Tạ ơn.
Buổi tối hôm ấy, những người di dân đã bàn bạc kỹ kế hoạch du hành.
Hợp lý hơn cả là Pencroff và Harbert sẽ đi sang đảo Tabor, bởi vì cả hai
người đều biết lái tàu. Hôm sau, 11 tháng mười, rời bến thì họ có thể cập
đảo vào ngày 13, bởi vì, nếu thuận gió thì sau hai ngày hai đêm họ có thể
dễ dàng vượt được một trăm năm mươi hải lý. Họ sẽ ở đảo một ngày, ba -
bốn ngày trên đường về, nghĩa là 17 tháng mười họ sẽ phải trở về đảo
Lincoln. Thời tiết rất tốt, phong vũ biểu nhích lên một cách nhịp nhàng,
hướng gió hình như đã ổn định, - tóm lại là mọi sự đều thuận lợi cho những
nhà du hành dũng cảm rời hòn đảo yêu dấu của mình vì ý thức trách nhiệm
và lòng yêu quí đối với con người đồng loại.
Thế là đã quyết định xong, Cyrus Smith, Nab và Gédéon Spilett sẽ ở lại
nhà. Nhưng, Gédéon Spilett không quên mình là phóng viên báo “New
York herald”. Vì vậy đã đột ngột tuyên bố sẵn sàng đi theo tàu, chứ không
chịu bỏ lỡ một dịp như thế này. Và ông đã được nhập vào số những người
du hành.
Buổi tối, những người di dân đã chuyển lên tàu “Bonadventur” các đồ
ngủ, bát đĩa, vũ khí, đạn, địa bàn, lương ăn cho một tuần, sau đó trở về
ngay Lâu đài đá hoa cương. Hôm sau, năm giờ sáng, ba người bạn xúc
động chia tay những người ở lại, nhổ neo lên đường…