Chúng tôi soi đèn xuống mép nước để phát hiện những con lươn đang bò đi
tìm mồi.
Chúng tôi soi đèn vào chú lươn định bắt. Những con lươn say mồi
không để ý gì đến ánh đèn và cả tiếng chân người. Chúng tôi dùng cái móc
sắt đưa gần vào con lươn rồi hất mạnh chúng lên triền đê. Động tác rất
nhanh làm chú lươn không kịp phản ứng. Chú lươn bị hất lên triền đê cứ rúc
đầu chui vào cỏ. Lúc đó chúng tôi chỉ cần dùng ngón tay giữa quặp ngang
thân chú lươn là nó hết đường chạy.
Lươn ở đầm Vực to béo lạ thường, da vàng ươm. Đầm Vực rộng và sâu,
bởi thế lươn sinh đẻ nhiều mà ít bị bắt. Dọc mép nước ở chân đê ven đầm
Vực lươn bám đặc. Hầu như chúng tôi hất cái nào cũng được lươn. Vào
mùa bắt lươn, có đêm bắt được nhiều, mẹ tôi còn mang đi bán tận chợ Đình.
Tiền bán lươn mỗi mùa đủ mua cho chúng tôi mỗi đứa một bộ quần áo và
sách bút cho năm học mới.
Năm nay mùa mưa đến sớm. Buổi chiều chúng tôi lên đê xem nước đầm
Vực. Nước đầm Vực đã ngập ngang những bụi dứa dại mọc sát chân đê.
Buổi chiều, chúng tôi ăn cơm sớm và chuẩn bị đầy đủ cho buổi bắt lươn
đầu tiên của mùa mưa năm nay.
Trời vừa sập tối chúng tôi đã lên đê. Trên mặt đê đã lấp lóa ánh đèn của
những đứa trẻ xóm trại. Ở cánh đồng bên kia đầm Vực cũng le lói ánh đèn
của những người đi kéo cá. Hầu hết người l không đi bắt lươn mà chỉ kéo
vó. Nước lên, cá từ đầm Vực kéo nhau vào những ruộng lúa rất nhiều. Có
người kéo một đêm được cả tạ cá.
Mưa vẫn rỉ rả. Đứng trên mặt đê tôi lại nhớ đến ông Bộc. Khi còn sống,
bà tôi bảo đêm nào ông Bộc cũng lên đê một mình và nhìn xuống đầm
nước. Chính tôi cũng đã gặp ông Bộc đứng trên mặt đê một mình trong một
đêm mưa như thế này. Ngày ấy, tôi không hiểu gì. Nhưng bây giờ thì tôi đã
hiểu được một phần.