là bảo vật “tố sa đơn y” nổi tiếng của quốc gia, vân áo rực rỡ, nhẹ như
sương khói, nặng chưa đến một lạng, là vật đại diện cao cấp nhất cho trình
độ dệt may thời Tây Hán.
Trong cảnh xuân tươi đẹp, giữa đình viện phồn hoa, Tân Truy đang ngồi
ngắm hoa nghe nhạc. Tiếng tiêu nhè nhẹ vang lên, xa xăm da diết. Một
khúc trường ca du dương trầm bổng, như nỉ non, như thì thầm.
Chính là tiếng tiêu! Phương Hồng Khanh bừng tỉnh. Hóa ra âm thanh nỉ
non mà hắn nghe thấy trong đêm tối chính là tiếng tiêu. Chỉ vì nó không có
giai điệu nên hắn mới nghe thành tiếng “hu hu” như ma quỷ đang khóc.
Cây tiêu sáu lỗ này cũng được trưng bày trong triển lãm giống như những
vật bồi táng khác được khai quật dưới ngôi mộ của Tân Truy. Ngoài ra còn
có một cây đàn thất huyền. Đây đều là những vật chứng giúp ích cho việc
nghiên cứu về âm nhạc thời kì sơ khai của Trung Quốc.
Lúc Phương Hồng Khanh đang mải suy nghĩ, cảnh tượng trước mắt chợt
xao động. Hắn định thần nhìn lại, chỉ thấy hình bóng Tân Truy đột nhiên
biến mất, cảnh vật trước mắt cũng không phải là đình viện phồn hoa mỹ lệ
nữa mà là một bờ sông.
Gió nhè nhẹ thổi qua hàng dương liễu, tạo nên những con sóng gợn trên
mặt hồ. Làn nước trong vắt phản chiếu ánh mặt trời ấm áp, hai bên bờ phủ
rạp cỏ xanh. Dưới góc liễu có một đôi nam nữ đang cười rạng rỡ. Người
con trai ăn vận theo lối văn sinh nho sĩ, tay cầm cây tiêu sáu lỗ, thổi một
khúc ca vừa du dương uyển chuyển vừa bịn rịn lưu luyến. Tiếng tiêu quyện
vào trong nhành liễu, phiêu đãng qua mặt nước trong veo rồi bay vút lên
bầu trời xanh vô tận.
Phương Hồng Khanh hơi ngơ ngẩn. Cách ăn mặc của đôi nam nữ này
hình như có chút khác biệt so với trang phục thời Tây Hán. Tay áo may
hẹp, ở vùng eo của người con trai có đeo thắt lưng da, ở đầu thắt lưng có
lưỡi móc, còn vùng eo của người con gái lại quấn một cái thắt lưng bằng tơ,
màu sắc của trang phục tương đối bình dị…
Ở bên này, Phương Hồng Khanh còn chưa kịp suy nghĩ hay phân tích rõ
ràng thì phía bên kia, người con gái bỗng mở miệng hát: