gồm ba vị phu nhân, các tiểu thiếu gia và nô bộc đến Phổ Dương, ông liền
tới ngay khách sảnh trong khi gia quyến tiếp quản nội trạch nằm ở phía bắc
nha phủ. Tại đây, cùng với sự trợ giúp của quản gia, đại phu nhân trông coi
việc chuyển đồ và bắt đầu sắp xếp trạch viện. Địch Nhân Kiệt không còn
thời gian để đi xem tân trạch, trước tiên ông phải tiếp nhận dấu quan từ tay
Phùng huyện lệnh, người tiền nhiệm của mình. Xong buổi bàn giao ấy, ông
bắt đầu xem qua nhân lực thường trực của nha phủ, từ chánh lục sự, bộ đầu
đến cai ngục và đội ngũ bộ khoái. Đến trưa, ông chủ trì một bữa tiệc thịnh
soạn để bái biệt Phùng huyện lệnh, sau đó tiễn vị đồng liêu cùng đoàn tùy
tùng ra tới tận cổng thành theo đúng lệ thường. Khi quay về, Địch Nhân
Kiệt tiếp những thân hào nhân sĩ của Phổ Dương đến mừng ông tới nhậm
chức.
Ăn vội bữa tối tại thư phòng xong, Địch Nhân Kiệt lại bắt đầu xem xét văn
thư án quyển của nha phủ. Các lục sự sốt sắng đem lên từ kho lưu trữ
những tập văn thư được đựng trong hộp bọc da. Sau vài canh giờ, ông cho
họ lui, còn mình thì vẫn chưa muốn đi nằm.
Cuối cùng, buông tập văn thư vừa xem hết xuống, Địch Nhân Kiệt ngả
người trên ghế rồi vui vẻ nhìn sang lão bộc trung thành.
“Thế nào, lão cùng ta làm một chén trà chứ, lão Hồng?” Ông mỉm cười hỏi.
Lão Hồng vội vàng đi lấy ấm trà. Trong khi lão châm trà thì Địch Nhân
Kiệt lên tiếng, “Ông trời đã ban biết bao phước lành cho trấn huyện Phổ
Dương. Chỗ văn thư ký lục này cho thấy nơi đây là mảnh đất màu mỡ, mùa
màng bội thu. Bách tính không biết đến hạn hán lụt lội là gì. Được xây
dựng bên bờ sông lớn chảy từ bắc xuống nam, Phổ Dương có địa thế đặc
biệt thuận lợi. Tàu thuyền thường ra vào bến cảng ở mạn Tây môn trấn, du
khách qua lại không ngớt, việc giao thương buôn bán không thể chê vào
đâu được. Đây cũng là nơi giao nhau giữa con sông và kênh đào, nguồn cá
vô cùng dồi dào, tạo nguồn sống cho dân nghèo. Sự có mặt của đại quân
doanh cung cấp một lượng khách ổn định cho các quán xá và cửa hiệu, giúp