“Mọi người đều biết nguồn thu nhập chính của Phổ Độ tự là nhờ vào lòng
sùng kính của khách hành hương dành cho bức tượng Phật Bà Quan Âm
đặt ở chính điện. Bức tượng được làm bằng gỗ đàn hương cách đây một
trăm năm, nhưng mấy năm gần đây, nó vẫn được đặt trong một ngôi chùa
dột nát, do ba hòa thượng sống tại túp lều gần đó trông coi. Chỉ có một ít
Phật tử đến cầu khẩn tại ngôi chùa ấy. Tiền cúng lễ của thí chủ không đủ
đổi lấy cơm gạo hàng ngày cho ba nhà sư, họ đã phải đi hành khất để tăng
thêm nguồn sống.
“Thế rồi, cách đây năm năm, một hòa thượng có pháp danh Linh Đức đến
xin ở với họ. Mặc dù ăn mặc rách rưới, nhưng ông ta là một nam nhân cao
to, gương mặt rất oai vệ. Một năm sau khi ông ta đến ở tại ngôi chùa ấy,
dân chúng bắt đầu kháo nhau rằng bức tượng Phật Bà ở đây rất linh
nghiệm, nữ nhân muốn đến cầu tự tất sẽ toại nguyện. Nhà sư mới này đề ra
một lệ, những nữ nhân muốn có con thì phải thành tâm ngủ lại một đêm
trên tràng kỷ đặt dưới chân tượng. Để tránh những lời đồn đại không hay,
sau khi nữ nhân cầu tự vào căn buồng đặt bức tượng, trụ trì sẽ dán giấy
niêm phong lên cửa. Ông ta yêu cầu phu quân của nữ nhân ấy phải tự tay
điểm chỉ vào giấy niêm phong. Các vị phu quân sẽ ngủ lại khu nhà dành
cho nhà sư, sáng hôm sau tự mình tới bóc niêm phong. Kết quả thành công
đến nỗi tiếng tăm ngôi chùa lan xa và những ai từng đến cầu tự đều gửi lễ
tạ cũng như công đức hậu hĩnh.
“Thế là trụ trì liền cho xây lại chính điện ngôi chùa, thêm một dãy nhà
xung quanh dành cho sư tăng, lúc này số hòa thượng đã lên tới con số sáu
mươi. Từ một ngôi chùa dột nát thành một Phật tự nguy nga, vườn hoang
biến thành hoa viên tráng lệ với những tòa giả sơn và bể cá vàng. Họ còn
xây dựng những đình các duyên dáng dành cho những phu nhân muốn nghỉ
lại qua đêm tại chùa. Toàn bộ cơ ngơi này được vây tường cao, có cổng tam
quan tuyệt đẹp.”